Luật quốc tế quy định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ bờ biển mỗi quốc gia, tuy nhiên khu vực tranh chấp nằm trong vùng EEZ của cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc.
Seoul đề xuất chọn ranh giới nằm giữa khu vực chồng lấn giữa hai nước nhưng Bắc Kinh nhất quyết muốn đẩy ranh giới gần hơn về phía Hàn Quốc, lấn qua những khu vực mà Seoul đã xây dựng một căn cứ nghiên cứu hàng hải.
Giải thích việc muốn giành phần nhiều hơn, Bắc Kinh viện lý do rằng Trung Quốc ... lớn hơn, đông dân hơn và có đường bờ biển dài hơn nước láng giềng.
Các nhà ngoại giao Hàn Quốc khẳng định lý đề xuất của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Sau cuộc họp, thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae Yul nói rằng hai nước sẽ còn tiếp tục đàm phán nhưng sẽ khó khăn và kéo dài hơn.
Năm 2008, hai nước cũng đã gặp gỡ về vấn đề ranh giới hàng hải nhưng không đạt được thỏa thuận nào khiến nhiều người lo ngại căng thẳng có thể dẫn đến xung đột giữa tàu thuyền hai nước.
Tháng trước, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đã bắn một chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc đi vào lãnh hải của Seoul.
Ngoài ra, các vụ vi phạm của tàu đánh cá Trung Quốc cũng gia tăng mạnh trong thời gian qua với đỉnh điểm là một thuyền trưởng Trung Quốc bị phía Hàn Quốc bắn chết năm 2014.
Giới phân tích nhận định Trung Quốc, cùng với việc chạy đua giành kiểm soát trên Biển Đông, đang tìm cách đẩy biên giới biển tiến xa bờ hơn để củng cố sức mạnh quân sự và kinh tế ở khu vực tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên việc tranh chấp lãnh hải với Hàn Quốc có nguy cơ phá hủy mối quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa hai nước.
Hàn Quốc cũng là một trong những nước lên tiếng chỉ trích các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua.
“Quan điểm của chúng tôi là cần phải đảm bảo tự do đi lại và bay qua khu vực này, và bất cứ xung đột nào cũng phải được giải quyết theo các thỏa thuận liên quan và luật pháp quốc tế đã được thiết lập” - Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo phát biểu hồi tháng trước trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter.
Theo Tuổi trẻ