Theo kênh phát thanh Danish Broadcasting Corporation (DR) của Đan Mạch, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã tận dụng mối quan hệ đối tác với Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch (DDIS) để nghe lén nhiều chính trị gia hàng đầu châu Âu nhờ vào các đường dây cáp thông tin của Đan Mạch trong khoảng 2012-2014.
DR cho hay, Mỹ đã theo dõi nhiều quan chức cấp cao của Thụy Điển, Na Uy, Pháp và Đức, trong đó có cả cựu Ngoại trưởng Đức Frank-Water Staimeier và cựu lãnh đạo phe đối lập Đức Peer Steinbruck.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cũng nằm trong số những mục tiêu bị theo dõi, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm đầu tuần này nói rằng họ đang chờ lời giải thích từ phía chính phủ Mỹ và Đan Mạch.
“Thực tế một lần nữa đã chứng minh, Mỹ là đế chế đứng đầu thế giới về tấn công mạng và đánh cắp bí mật” – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo thường lệ hôm đầu tuần. Ông thêm rằng, các mục tiêu bị theo dõi không chỉ ở các nước cạnh tranh mà còn ở các nước đồng minh với Mỹ.
Ông Uông Văn Bân nói rằng Mỹ đã sử dụng “Mạng Sạch” (Clean Network) – một liên minh số toàn cầu do Mỹ dẫn đầu, trong đó tẩy chay những công nghệ mà Washington đánh giá là có thể bị chính phủ Trung Quốc thao túng – như lớp vỏ bọc, và tuyên bố là bảo vệ an ninh mạng trong khi không hề làm như vậy.
“Điều này đã vạch trần sự thực rằng nước Mỹ không thực sự bảo vệ an ninh mạng mà là đang chèn ép những bên cạnh tranh với họ” – ông Uông nói – “Họ không thực sự bảo vệ an ninh của các đồng minh, mà là duy trì bá quyền của mình”.
“Nước Mỹ nợ cả thế giới một lời giải thích xem liệu họ có tuân thủ đúng với luật tình báo của họ và tinh thần trong thỏa thuận dữ liệu xuyên biên giới với các đồng minh hay không, và liệu đây là một mạng sạch hay mạng ô nhiễm” – phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Ông Uông Văn Bân cũng nói rằng, Trung Quốc hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ “phản đối hành động bắt nạng trên mạng của Mỹ và không trở thành tay sai cho những hành động trái phép của đế chế tấn công mạng này”.
Cả DDIS và NSA đều chưa đưa ra bình luận gì trước cáo báo cáo do thám này. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen nói với Reuters rằng “hành động theo dõi có hệ thống đối với các đồng minh thân cận là không thể chấp nhận được”.
Theo DR, DDIS đã mở một cuộc điều tra nội bộ sau khi xuất hiện nhiều quan ngại về vụ rò rỉ tài liệu mật do cựu nhân viên NSA Edward Snowden thực hiện năm 2013 – trong đó có nêu cách thức do thám của NSA.
Sau báo cáo của DR, Snowden đã viết trên Twitter rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden – người giữ vị trí Phó Tổng thống Mỹ lúc vụ bê bối do thám lần đầu bị phanh phui – “dính líu sâu tới vụ bê bối này” và “đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để trả lời khi ông tới thăm châu Âu sắp tới đây”.