Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy đà tăng trưởng, giữa lúc đợt bùng phát dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng sâu rộng.
Nhiều người dân ở Bắc Kinh được yêu cầu không ra đường, trường học và doanh nghiệp đóng cửa (Ảnh: Getty Images)
Nhiều người dân ở Bắc Kinh được yêu cầu không ra đường, trường học và doanh nghiệp đóng cửa (Ảnh: Getty Images)

Theo đó, PBoC sẽ tăng nguồn vốn cho vay đối với doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng sự thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh lần này sẽ có tác động khá hạn chế, khi nhu cầu vay vốn suy yếu do các lệnh phong tỏa liên tục, khủng hoảng lĩnh vực bất động sản cùng với nhu cầu hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang suy giảm khiến nhu cầu vay vốn yếu.

Trước đó, hôm 25/11, PBoC cho biết cơ quan này sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,25%, từ đó hạ số lượng tiền dự trữ mà ngân hàng bắt buộc phải có để đảm bảo tính thanh khoản. Động thái này được kỳ vọng sẽ giải phóng khoản tiền 500 tỉ NDT, tương đương 70 tỉ USD, để các ngân hàng có thể cho vay mới.

Đợt cắt giảm lần này sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 và sẽ đưa tỷ lệ dự trữ bắt buộc trung bình của tất cả các ngân hàng ở mức 7,8%. Đây cũng là lần thứ 2 trong năm 2022 PBoC cắt giảm dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế.

Song, những đợt phong tỏa mới đây nhằm ngăn chặn đà lây lan của đợt bùng phát dịch mới nhất đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ rằng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng mở cửa trở lại, trong khi nhiều nền kinh tế lớn khác đã gỡ bỏ gần như toàn bộ các biện pháp kiểm soát COVID-19.

Siêu thị vẫn duy trì hoạt động, nhưng nhiều nhà hàng và cửa hàng ở Bắc Kinh phải đóng cửa (Ảnh: AP)

Siêu thị vẫn duy trì hoạt động, nhưng nhiều nhà hàng và cửa hàng ở Bắc Kinh phải đóng cửa (Ảnh: AP)

Trung Quốc đã ghi nhận gần 32.000 ca nhiễm trong nước trong hôm 24/11, mức cao kỷ lục trong ngày được ghi nhận. Hơn 60% trong số này được phát hiện ở trung tâm sản xuất phía Nam, Quảng Đông, thủ phủ của tỉnh Trùng Khánh, Bắc Kinh và khu vực xung quanh tỉnh Hà Bắc; theo dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia.

Tại thủ đô Bắc Kinh, nơi số ca nhiễm tăng lên hơn 1.800 trong những ngày gần đây, các biện pháp kiểm soát dịch trở nên chặt chẽ không khác gì thời điểm tháng 4 hay tháng 5 năm nay, thời điểm mà nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, việc di chuyển bị hạn chế.

Chính quyền thành phố yêu cầu nhiều người dân ở trong nhà, trong khi nhiều trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa trong tuần này. Nhiều tòa nhà và khu dân cư cũng bị phong tỏa sau khi các ca nhiễm được phát hiện.

Trong khi nhiều cửa hàng và nhà hàng đã ngừng hoạt động, các siêu thị vẫn được phép mở cửa. Giới chức nước này cho hay siêu thị nên duy trì hoạt động để đảm bảo cho sinh hoạt của người dân. Trên một số ứng dụng giao hàng, dịch vụ chuyển phát thực phẩm bỗng dưng ngừng hoạt động, cho thấy tình trạng thiếu nhân công.

Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs ước tính các khu vực đóng góp khoảng 65% GDP Trung Quốc hiện được chính phủ xếp loại là khu vực có mức độ rủi ro ở tầm trung hoặc cao, và sẽ được áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Tín hiệu ảm đạm từ hoạt động doanh nghiệp cùng với xuất khẩu cho thấy viễn cảnh tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, kể cả khi họ chưa áp dụng biện pháp chống dịch mới. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn do lĩnh vực bất động sản rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Ngoài ra Bắc Kinh cũng phải đối mặt với sự bất lợi, sau quyết định của Mỹ cấm xuất khẩu chip bán dẫn cao cấp và công nghệ sang Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chỉ 0,4% trong quý 2 năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái./.

Theo Wall Street Journal