Những suy nghĩ về thế chân vạc Trung Quốc đang tạo ra trên Biển Đông đã xuất hiện lâu nay, và đặc biệt nguy cơ ấy đã rõ ràng hơn nữa với những động thái của nước này trên bãi cạn Scarborough mới đây.
Bãi cạn Scarborough không yên tĩnh
Chính xác hơn, các kế hoạch quân sự của Trung Quốc diễn ra ở bãi cạn Scarborough, nơi chỉ cách đảo lớn Luzon của Philippines 220 km, cho thấy viễn cảnh việc Bắc Kinh sẽ triển khai tàu chiến ở gần nơi đóng quân trong tương lai của Hải quân Mỹ, trang tin The Washington Free Beacon cho biết ngày 13.4.
Tình báo Mỹ vài tháng qua đã thu thập những thông tin cho thấy Trung Quốc tích cực cải tạo Scarborough - bãi cạn mà nước này chiếm từ Philippines hồi năm 2012, trong đó kế hoạch cho thấy khả năng sẽ có những đường băng, trạm phát điện, nhà ở, các cơ sở hỗ trợ tàu chiến...
Mỹ đặc biệt lưu tâm tới các hoạt động tại bãi cạn Scarborough. The Washington Free Beacon nói rằng những kế hoạch phát triển và quân sự hóa của Trung Quốc tại đây đã “gióng hồi chuông báo động cho cả Lầu Năm Góc lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ” vì vị trí của Scarborough gần với Philippines, đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis (CVN 74) tiến vào biển Philippines ngày 26.2.2016. Mỹ đang lo ngại việc Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn Scarborough hoặc những hoạt động tương tự gần Philippines sẽ gây ảnh hưởng tới các lực lượng Mỹ đóng quân tại Philippines trong tương lai - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Trong một cuộc họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tháng 2 qua đã nêu ra vấn đề cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough. The Washington Free Beacon dẫn lời một nguồn tin cho hay chính ông Vương Nghị đã nói với ông John Kerry rằng các kế hoạch trên của Trung Quốc sẽ được thực hiện.
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer (người Úc), chuyên gia về Biển Đông nhận định Trung Quốc sẽ cải tạo bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo. Theo đó, Bắc Kinh sẽ xây dựng các cơ sở quy mô nhỏ trên bãi cạn Scarborough, mượn cớ cung cấp những phương tiện như phục vụ an toàn hàng hải, trong đó sẽ có hệ thống thông tin, radar.
Bằng cách này, Trung Quốc sẽ không tạo ra mâu thuẫn lớn với Mỹ. Tuy nhiên các hệ thống radar sẽ giúp Bắc Kinh dễ theo dõi những hoạt động của Hạm đội 7 Mỹ ở vịnh Subic của Philippines (Scarbourough cách vịnh Subic 198 km). Ngoài ra, Trung Quốc cũng có khả năng theo dõi tàu ngầm Mỹ thông qua các hoạt động trinh sát trên không, theo Giáo sư Thayer.
Nếu thành công trong việc cải tạo Scarborough, Trung Quốc sẽ ngăn chặn được các hoạt động của Philippines trong vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nếu Trung Quốc đặt radar tầm xa, radar điều khiển hỏa lực, tên lửa đất đối không và tên lửa chống tàu trên các đảo nhân tạo, Bắc Kinh sẽ đặt Hải quân Mỹ và các nước vào tình huống khủng hoảng. Điều này đã và đang xảy ra với một số hoạt động triển khai thiết bị quân sự đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng, theo ông Thayer.
“Thắt chặt thòng lọng” trên Biển Đông
Vấn đề cuối cùng trong chuyện này có lẽ là tính thời điểm. The Washington Free Beacon dẫn lời tư lệnh đã về hưu Jim Fanell, một cựu giám đốc tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) cho biết Trung Quốc dường như đang đẩy mạnh bước đi tiếp theo trong chiến lược lớn hơn của việc “thắt chặt thòng lọng” trên toàn bộ Biển Đông.
“Từ trước đến nay, họ (Trung Quốc) đã hài lòng với việc cải tạo và xây dựng trên 7 tiền đồn đã có trong quần đảo Trường Sa và tại đảo Phú Lâm, nhưng đã không nỗ lực chiếm các lãnh thổ “mới” trên Biển Đông”, ông Fanell nói.
Như vậy, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tại bãi cạn Scarborough vào lúc này là hoạt động có chủ đích về tính thời điểm. AP ngày 14.4 đưa tin về việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có động thái khá “hiếm hoi” khi tiết lộ rằng tàu Mỹ và Philippines đã cùng tiến hành tuần tra trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vừa tiết lộ những chuyến tuần tra chung với Philippines trên Biển Đông, xem như một hành động thách thức việc Trung Quốc hành xử hung hăng ở vùng biển này - Ảnh: Reuters |
Tiết lộ này đến chỉ vài ngày sau khi Đại sứ Philippines tại thủ đô Washington, ông Jose Cuisia Jr. bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, và nói thẳng Philippines không có khả năng ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở bãi này.
Kế hoạch của Trung Quốc tại Scarborough cũng có thể là cách phản ứng với phán quyết của tòa án quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc, dự kiến sẽ có vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, theo The Washington Free Beacon.
Trung Quốc cũng có thể đang cố đẩy nhanh kế hoạch xây dựng phi pháp trên bãi cạn Scarborough, vì lo ngại tân tổng thống của Mỹ sau cuộc bầu cử năm nay có khả năng sẽ gây khó hơn cho Bắc Kinh trong quá trình mở rộng các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.
“Chính vì vậy, để giành lợi thế trước cuộc đối đầu tiềm năng này (với người kế vị Tổng thống Barack Obama), Trung Quốc sẽ hành động trong năm nay để tiến hành chiến thuật “cắt lát salami” như ở Scarborough”, theo ông Fanell.
Theo Thanh Niên