Nền kinh tế Trung Quốc chuẩn bị đón nhận cả tin tốt lẫn tin xấu giữa lúc tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Đó là nhận định của ông Chu Bảo Lương, người đứng đầu bộ phận dự báo kinh tế thuộc Trung tâm Thông tin quốc gia của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc.
Nhiều thách thức
Trao đổi với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông) hôm 17-2, ông Chu cho hay tin tốt là Bắc Kinh sẵn sàng bơm tiền để thúc đẩy kinh tế phát triển, tin xấu là nền kinh tế này sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa trong thời gian tới.
Chuyên gia Chu cho biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ duy trì một môi trường tiền tệ phù hợp để bảo đảm mức tăng trưởng hơn 6,5%, đồng thời tránh xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nợ, tài chính hoặc tiền tệ nào.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ tiền tệ nói trên khó có thể tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ do các biện pháp kích thích kinh tế không còn hiệu quả như trước. “Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 là khoảng 6,5%-7% nhưng con số thật sự sẽ sát 6,5% hơn. Đến năm 2017, tỉ lệ này sẽ xuống gần mức 6%” - ông Chu dự báo.
Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc trong gần 30 năm qua, ông Chu thừa nhận nước này đang đối mặt một loạt thách thức cùng lúc, như tăng trưởng chậm lại, doanh thu tài chính sụt giảm, tình trạng dư thừa năng suất ngày càng tồi tệ, rủi ro tài chính đang tăng cao…
“2016 sẽ là năm cực kỳ thách thức và các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt cẩn trọng để ngăn rủi ro mang tính hệ thống xuất hiện trong những thị trường trái phiếu, cổ phiếu, ngân hàng và tiền tệ” - ông Chu nhấn mạnh.
Trước mắt, nước này sẽ phải phụ thuộc vào chi tiêu chính phủ, chủ yếu ở lĩnh vực hạ tầng, để thúc đẩy kinh tế phát triển giữa lúc kim ngạch xuất khẩu và chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm.
Ngập chìm trong nợ
Đánh giá bi quan nói trên càng khiến giới đầu tư lo âu về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhất là khi nước này đang dựa vào một động cơ tăng trưởng “nguy hiểm”: nợ.
Giới phân tích cảnh báo nguy cơ tín dụng tăng trưởng quá nóng đe dọa hệ thống tài chính Trung Quốc sau khi số liệu mới nhất cho thấy giá trị các khoản cho vay mới ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục là 2.510 tỉ nhân dân tệ (380 tỉ USD) trong tháng 1-2016.
Theo trang Bloomberg, diễn biến trên gây ra nỗi lo nợ xấu sẽ tăng vọt một khi doanh nghiệp không kiếm được lợi nhuận do kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc. Dữ liệu được Ủy ban Quản lý ngân hàng Trung Quốc công bố vào đầu tuần này cho thấy các khoản nợ xấu của ngân hàng trong quý IV/2015 tăng 7% lên 1.270 tỉ nhân dân tệ.
“Sự gia tăng nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc là kết quả trực tiếp của 5 năm cho vay quá mức và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế” - Công ty Tư vấn toàn cầu PwC đánh giá trong báo cáo công bố năm ngoái.
Đài CNN nhận định hiện có 2 mối lo ngại: mức độ bùng nổ nợ và liệu các ngân hàng Trung Quốc có đủ sức đối phó một làn sóng vỡ nợ hay không.
Nhà đầu tư người Mỹ nổi tiếng Jim Chanos gần đây nhận định tốc độ tăng trưởng nợ hằng năm của Trung Quốc vẫn cao hơn 2-3 lần so với kinh tế. Trong khi đó, theoluật sư Gordan Chang, không ai biết các ngân hàng Trung Quốc mạnh yếu ra sao vì không ai rõ chất lượng các khoản cho vay của họ.
Tóm lại, giới chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh đang đùa với lửa bởi sự bùng nổ của các khoản cho vay, dù được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới.
“Sự tăng trưởng của tín dụng có thể giúp duy trì tốc độ phát triển kinh tế trong ngắn hạn nhưng lại ẩn chứa nhiều vấn đề lớn” - ông George Magnus, cố vấn kinh tế của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), lo ngại.
Theo NLĐ