Ngày 7.11 vừa qua, ông Donald Trump đột nhiên phát biểu tại một cuộc họp báo: “Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025” vì tôi đã phát hiện kế hoạch này rất càn rỡ. Tôi nói với họ kế hoạch đó rất mạo phạm, nó có nghĩa là đến năm 2025 họ sẽ bá chủ toàn cầu về kinh tế. Tôi nói điều đó sẽ không thể xảy ra”.
Ông Donald Trump nói điều này vào một tuần sau cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cách sử dụng văn pháp thì quá khứ của ông Trump tựa hồ ngầm tỏ ý cho thấy ông đã nhận được sự cam kết của ông Tập Cận Bình về việc từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”. Thế nhưng, nhiều ý kiến phân tích cho rằng “Made in China 2025” là một quốc sách quan trọng trong “thời đại mới” của ông Tập Cận Bình. Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ mà chỉ là sự thay đổi diện mạo trước sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ mà thôi. Ông Donald Trump không nên quá tự mãn về điều đó.
Liệu có phải ông Donald Trump đã mắc lừa khi tin vào tuyên bố từ bỏ kế hoạch chiến lược “Made in China 2025” của người Trung Quốc?
|
Tờ The New York Times ngày 12.11 đã đăng bài của tác giả Raymond Zhong cho rằng cách đánh giá của ông Donald Trump đối với Trung Quốc là “không phù hợp thực tế”. Báo này viết: “Tổng thống Donald Trump nói ông đã buộc Trung Quốc phải hủy bỏ một kế hoạch tăng cường ngành chế tạo, nhưng sự thực không phải như vậy”.
Ông Trump nói, Trung Quốc đã suy thoái rất, rất lớn (China has come down tremendously. Tremendously). Trung Quốc vốn định trong vòng 2 năm trở thành nước lớn kinh tế thay thế chúng ta nhưng hiện nay họ thậm chí không thể tiếp cận chúng ta.
The New York Times cho rằng, đó là cách nói phóng đại. Thực tế tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc có chậm lại. Mức tăng của kinh tế Trung Quốc quý 3 là 6,5%, là mức tăng thấp nhất trong gần 10 năm qua (đó là con số chính thức do chính phủ Trung Quốc đưa ra, nhiều nhà kinh tế cho là không đúng với thực tế). Thế nhưng, dù tốc độ tăng trưởng không giảm thì cũng không thể bám sát Mỹ chỉ sau 2 năm. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, năm ngoái tổng lượng kinh tế Trung Quốc là 12.200 tỷ USD, còn Mỹ là 19.400 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng 2 nền kinh tế giữ nguyên mức như năm ngoái thì Trung Quốc phải cần tới 10 năm mới có thể đuổi kịp Mỹ.
Về phát biểu của ông Trump nói Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025” do ông phê phán “rất càn rỡ” (very insulting) và ý định bá chủ kinh tế thế giới vào năm 2025 là “không thể xảy ra” (“That’s not happening”), The New York Times viết, kế hoạch “Made in China 2025” là thông qua sự ủng hộ và can dự của chính phủ để thực hiện hiện đại hóa ngành chế tạo. Chính phủ Donald Trump luôn coi kế hoạch này là chứng cứ của việc Trung Quốc đối xử không công bằng, ưu đãi công ty trong nước hơn các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Chính phủ Mỹ từng nói họ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc chính là nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi cách làm này. Có lẽ do kế hoạch này gây nên sự chú ý nên gần đây các quan chức Trung Quốc không nhắc đến cái tên “Made in China 2025” nữa. Báo chí cũng nhận được lệnh cấm nhắc đến nó khi đưa tin. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy các công ty Trung Quốc đã dừng hoặc thay đổi kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất của họ. Cũng không có dấu hiệu cho thấy họ ngừng việc chạy đua trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn.
Máy bay chở khách C919 - một hạng mục trọng điểm trong kế hoạch “Made in China 2025”
|
Bài báo cho rằng, dù chính phủ không nhắc đến cái tên “Made in China 2025” thì các công ty Trung Quốc cũng vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch này. Một nhà phân tích của viện nghiên cứu Gavekal Dragonomics nói: “Chính phủ và các công ty đã chi hàng tỷ USD vào các nhà máy sản xuất linh kiện chip bán dẫn, người máy, thiết bị hàng không và các sản phẩm công nghệ cao khác”.
Hãng CNA của Đài Loan ngày 9.11 dẫn ý kiến của nhiều học giả ở Bắc Kinh bày tỏ: “Không nghe nói Trung Quốc sẽ từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”, có chăng chỉ là thay đổi cách nói”.
Ông William Reinsch, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược CSIS ở Washington nói: "Hiện chưa có bất cứ chứng cứ nào cho thấy Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch 'Made in China 2025'. Trong tương lai họ cũng sẽ không từ bỏ nó". Ông nói, ông Tập Cận Bình luôn khẳng định chính sách này trong nhiều lần phát biểu, ví dụ khi nói về “tự lực cánh sinh, tự chủ sáng tạo”. “Made in China 2025” là chính sách quan trọng của ông ấy.
Điều dễ nhận thấy nhất là, từ tháng 1 đến tháng 5, Tân Hoa Xã trong các bản tin đã nhắc đến tên “Made in China 2025” hơn 140 lần. Nhưng từ sau ngày 5.6 thì họ không sử dụng lần nào nữa. Đó là vì, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, chỗ yếu của ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc bị phơi bày. Để tránh bị mất mặt, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm báo chí sử dụng cụm từ “Made in China 2025” nữa.
Tự động hóa sản xuất là một nội dung quan trọng của kế hoạch chiến lược “Made in China 2025”.
|
Hồi tháng 8, một phòng thực nghiệm hệ thống vũ khí trí tuệ nhân tạo đã được thiết lập tại Đại học Khoa học tự nhiên Bắc Kinh. Điều này được xem là ví dụ cho thấy Trung Quốc không từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết: phòng thực nghiệm này hiện có 27 nam và 4 nữ đều dưới 18 tuổi, họ được tuyển chọn từ hơn 5.000 ứng viên là học sinh trung học phổ thông. Những thanh thiếu niên này sẽ là những nhà khoa học về vũ khí trí tuệ nhân tạo trẻ nhất thế giới.
Tờ Sydney Today (bản Hoa ngữ) ngày 10.11 đăng bài “Không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ từ bỏ “Made in China 2025”. Trong đó, viết các nhà quan sát Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ chỉ chuyển kế hoạch này vào vòng bí mật chứ quyết không từ bỏ kế hoạch này vì liên quan đến sự khống chế quyền lực của họ.
Bài báo cho biết, ông Alan Tonelson, người sáng lập diễn đàn chính sách công cộng Reality Chek khi trả lời phỏng vấn VOA đã nói: “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025” và tham vọng về công nghệ cao vì hoàn thành mục tiêu này vô cùng quan trọng đối với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục nắm chắc quyền lực và cũng rất quan trọng đối với việc quyết tâm tiếp tục phát triển kinh tế của Trung Quốc”.
Ông Alan Tonelson: “Cho đến nay chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ từ bỏ kế hoạch này; có lẽ ông Donald Trump đã hiểu sai sự thực".
|
Ông Alan Tonelson nói: “Cho đến nay chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ từ bỏ kế hoạch này. Có lẽ ông Donald Trump đã hiểu sai sự thực. Cho dù Trung Quốc bày tỏ từ bỏ kế hoạch này thì cũng rất khó chứng minh được đó là sự thực... Tôi còn muốn chỉ ra một điều là, nếu mục tiêu của Tổng thống Donald Trump là ép buộc hoặc khuyên bảo Trung Quốc từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”. Đó là cả một vấn đề, vì nếu Trung Quốc bày tỏ ý định đó thì một hiệp nghị như thế cũng không thể chứng minh được. Chính phủ Trung Quốc luôn khá kín đáo, muốn tìm ra chứng cứ của việc họ trợ cấp cho kế hoạch về cơ bản là không thể được”.
Ông nêu một vấn đề khác là, các công ty Mỹ kinh doanh ở Trung Quốc cho đến giờ đều không muốn công khai và chỉ trích Trung Quốc lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ. Nếu các công ty Mỹ không muốn đứng ra cáo buộc thì chính phủ Mỹ cũng chẳng có cách nào để điều tra. Có ý kiến cho rằng, có thể Trung Quốc đành tạm hoãn thúc đẩy kế hoạch “Made in China 2025” để được tiến hành đàm phán mậu dịch với Mỹ.
RFI tiếng Trung ngày 12.11 cho rằng, trước thềm cuộc gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G-20 ở Argentina, ông Donald Trump đã quá lạc quan khi thông báo Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”. Về đối ngoại, Trung Quốc cũng bày tỏ do tranh cãi nên Trung Quốc có thể từ bỏ kế hoạch chiến lược này. Tuy nhiên, qua xem xét số liệu phân bổ ngân sách được đưa tin trên truyền thông Trung Quốc có thể “tiết lộ” chiến lược “Made in China 2025” vẫn đang tiếp tục. Nhiều học giả cho rằng, dù Mỹ có phản đối hay không thì Trung Quốc cũng không thể từ bỏ kế hoạch chiến lược này.
RFI dẫn tin của CNA ngày 12.11 cho biết, theo số liệu phân bổ kinh phí nghiên cứu các hạng mục trọng điểm quốc gia được đăng tải trên báo Tham khảo Kinh tế - một ấn phẩm của Tân Hoa xã, thì năm 2018 có 429 hạng mục được được nhà nước tài trợ 12,7 tỷ NDT kinh phí, trong đó 4 tỷ NDT giành cho lĩnh vực công nghệ cao. Cụ thể hơn, kinh phí giành cho phát triển xã hội là 5 tỷ NDT (chiếm 40%) và công nghệ cao 4 tỷ NDT (30%), lĩnh vực khoa học kỹ thuật nông nghiệp 2 tỷ NDT. Đáng chú ý, trang bị kỹ thuật cho việc tăng cường giám sát xã hội và đối phó các sự kiện đột xuất được tài trợ 55 hạng mục với 1 tỷ 286,6 triệu NDT, xe hơi năng lượng mới cũng được tài trợ 1 tỷ NDT.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc ngày 9.11 cũng đăng bài xã luận ám chỉ việc Trung Quốc sẽ từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”. Bài báo viết: “Một trong những nguyên nhân khiến Mỹ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc là bất bình với kế hoạch “Made in China 2025”. Mỹ cho rằng Trung Quốc đã vung tiền tài trợ cấp cho các công ty quốc doanh để nâng cấp ngành chế tạo của mình, gây tổn hại đến sức cạnh tranh của các công ty Mỹ. Mỹ cũng nghi ngờ chính phủ Trung Quốc khuyến khích lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ”.
Ông William Reinsch: "Hiện chưa có bất cứ chứng cứ nào cho thấy Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”.
|
Bài báo viết tiếp: “Về phía Trung Quốc, chúng ta cần tích cực xem xét sự oán trách của phía Mỹ, lắng nghe ý kiến bên ngoài về cách thức thực hiện tiến bộ kỹ thuật, có sự điều chỉnh cần thiết. Ví dụ trong vấn đề trợ cấp các công ty quốc doanh và đối xử công bằng với các công ty có chế độ sở hữu khác”.
Bài viết của Thời báo Hoàn cầu kết luận: “Trung Quốc không thể trong thời gian ngắn trỗi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong lĩnh vực công nghệ cao được. Dù đến năm 2025, cách biệt của chúng ta với trình độ tiên tiến của thế giới vẫn rất lớn. Trong mấy chục năm tới, thậm chí đến cuối thế kỷ này năng lực công nghệ cao của Mỹ có hiệu suất rất cao về tổng thể vẫn mạnh hơn Trung Quốc. Trung Quốc không thể chậm trễ, song cũng không thể nôn nóng”.
Giới quan sát cho là đây chỉ là một kiểu “tung hỏa mù” phụ họa theo phát biểu của ông Donald Trump để quốc tế tin là Trung Quốc đang thật sự từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”.