Bộ trưởng Ngoai giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc 8/3, Xinhua đưa tin.
Vương Nghị tuyên bố rằng đòi hỏi của một quốc gia khác về tự do hàng hải ở Biển Đông không có nghĩa là cho họ quyền muốn làm gì thì làm ở vùng này. Rõ ràng Vương muốn ám chỉ Mỹ, sau khi Washington điều động nhiều chiến hạm và gần đây nhất là hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis đến tuần tra Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố rằng Bắc Kinh "có chủ quyền" trên hầu như toàn bộ Biển Đông và sẽ "không cho phép những nước khác xâm phạm các quyền của Trung Quốc" trên vùng biển này.
Vương còn trơ tráo bác bỏ những cáo buộc Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông khi xây dựng các cơ sở trên những đảo nhân tạo bồi lấp trái phép và khẳng định những công trình đó hoàn toàn mang tính phòng thủ. Ngoại trưởng Trung Quốc còn tố ngược một cách nực cười rằng chính những nước khác mới quân sự hóa Biển Đông.
Tháng trước, Việt Nam đã kịch liệt phản đối Trung Quốc sau khi có thông tin về việc Bắc Kinh triển khai các tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng sa của Việt Nam. Nhưng theo quan điểm của Bắc Kinh, hành động quân sự hóa vùng này có thể bao gồm việc Mỹ cấp tàu chiến cũ cho Philippines để tăng cường khả năng của lực lượng hải quân nước này và việc Manila ký hiệp định tương tự với Tokyo.
Ngày 7/3, truyền thông đưa tin vào tháng tới, một tàu ngầm của Nhật sẽ ghé thăm Philippines lần đầu tiên từ 15 năm qua. Còn tuần trước, Mỹ thông báo là Ấn Độ sẽ tham gia tập trận chung sắp tới cùng Mỹ và Nhật ở gần Biển Đông.
Ngày 8/3, tờ The Straits Times của Singapore dẫn lời của đại sứ Trung Quốc tại Washington tuyên bố rằng Mỹ có thể sẽ trả «một giá rất đắt», như đã từng hứng chịu trong chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên, nếu ở vùng Biển Đông Mỹ lại phạm những sai lầm như trước đây.