Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón Tổng thống Obama tại Phủ Chủ tịch hôm 23/5 |
Chính sách ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc ở Biển Đông tạo cơ hội cho Mỹ thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ từ quân sự đến kinh tế với các nước trong khu vực làm cho Bắc Kinh lo lắng. Trung Quốc cần phải tự xét lại mình, theo giới phân tích quốc tế.
Trong chuyến công du Việt Nam được đón tiếp nồng nhiệt, tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Theo giải thích của ông Obama, Việt Nam cần nâng cao khả năng quốc phòng để bảo vệ chủ quyền và sẽ được Mỹ ủng hộ.
Trung Quốc cho rằng mục tiêu thực sự của Mỹ là nhắm vào Trung Quốc. Các phản ứng sau đó của Bắc Kinh bị giới phân tích gọi là «ấm ức» và «tức tối» . Ngày 30/5, đến lượt nhật báo Hong Kong South China Morning Post khuyên Bắc Kinh "tiên trách kỷ hậu trách nhân". Tờ South China Morning Post tổng hợp ý kiến của giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh không dự kiến được Mỹ bất ngờ tung đòn kết thân với Việt Nam.
Theo chuyên gia Úc Asley Townshend thuộc đại học Sydney, điều làm cho Trung Quốc lo ngại nhất là viễn cảnh Mỹ-Việt càng ngày càng thắt chặt đối tác chiến lược. Sự kiện tổng thống Barack Obama từ Hà Nội thông báo quyết định bỏ cấm vận vũ khí sát thương là một biểu tượng mạnh mẽ cho thấy quan hệ giữa hai cựu thù đã được cải thiện nhanh chóng đến mức độ nào.
Ông Townshend cho rằng tuy xác xuất Việt Nam trở thành đồng minh của Mỹ không cao, nhưng Trung Quốc bất an vì không biết mức độ quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt cũng như giữa Mỹ và các nước khác trong vùng tiến đến đâu.
Mặc dù giữa Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với 60 tỷ USD trao đổi thương mại hàng năm, tuy nhiên những xung khắc do tranh chấp tại Biển Đông gần đây đã ảnh hưởng và làm tổn hại đến quan hệ Việt- Trung.
Trên South China Morning Post nhà phân tích Phương Nguyễn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), cũng cho rằng ít có khả năng Việt Nam bỏ Trung Quốc làm đồng minh với Mỹ vì có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần phải xét lại thái độ của họ, phải suy nghĩ nhiều lần về thủ đoạn tranh đoạt tại Biển Đông.
Cụ thể trong vụ khủng hoảng năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gây ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, Hà Nội phát hiện ra rằng các đường dây liên lạc với Bắc Kinh bị tắt nghẹn, không thể đối thoại với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng, bà Phương Nguyễn phân tích.
Bà Phương Nguyễn nhận định, qua kinh nghiệm vụ giàn khoan Trung Quốc, phía Việt Nam đã nhận thức được rằng cần phải cải thiện quan hệ với Mỹ để làm đối trọng. Theo chuyên gia Phương Nguyễn, Hà Nội đã thấy rõ là không thể trông cậy vào cơ chế quan hệ hữu hảo đã dày công vun đắp với Bắc Kinh.
Ngay chuyên gia Trung Quốc cũng có cùng nhận định này. Giáo sư Trương Minh Lượng, đại học Tế Nam, cho là các hành động của Trung Quốc bồi lấp trái phép, biến các bãi đá ngầm thành căn cứ quân sự ở Biển Đông đã đẩy Việt Nam về phía Mỹ. Theo ông, đã đến lúc Bắc Kinh xét lại chính sách đối với các láng giềng. Theo chuyên gia Úc Townshend, Bắc Kinh không có con đường nào khác, ngoài giải pháp duy nhất là sử dụng đầu tư và lợi nhuận thương mại làm mồi nhử.
Giới quan sát quốc tế cho rằng, trừ phi tự hãm phanh ngừng chính sách bá quyền, Trung Quốc ít có hy vọng chặn đứng trào lưu hiện tại là các quốc gia trong vùng ngả theo chính sách «xoay trục» của Mỹ để bảo vệ chủ quyền đất nước.