Trung Quốc triển khai thêm tên lửa
Đài truyền hình CNBC Mỹ vừa công bố Trung Quốc triển khai (bất hợp pháp) tên lửa phòng không HQ-9B và tên lửa chống hạm YJ-12B trên 3 thực thể địa lý đã bị Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo gồm đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân ngang nhiên nói việc này là Trung Quốc triển khai các phương tiện "phòng thủ lãnh thổ cần thiết".
Người phát ngôn Nhà Trắng Mỹ Sarah Sanders tuyên bố: "Chúng tôi thấy rất rõ tình hình Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Chúng tôi đã trực tiếp bày tỏ lo ngại với phía Trung Quốc, đồng thời cho biết trong ngắn hạn và lâu dài (Trung Quốc) đều sẽ chịu hậu quả tương ứng".
Theo đánh giá của chuyên gia Biển Đông Greg Poling, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, việc Trung Quốc triển khai tên lửa như vậy là có thể dự kiến, vì đã có những động thái trước đó. Trung Quốc ngang ngược coi đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là "trung tâm hành trình và quân sự". "Bất cứ việc gì Trung Quốc làm trên đảo Phú Lâm đều có lý do họ sẽ mở rộng xuống phía nam, đe dọa trực tiếp hơn đối với các nước láng giềng".
Tuần trước, Đô đốc Philip Davidson, người được chỉ định làm Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho rằng Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh hoạt động trên Biển Đông và sẽ tạo ra mối đe dọa cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực. Căn cứ tiền tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông hầu như đã hoàn thành.
Tờ Kommersant Nga ngày 5/5 cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bắt đầu gay gắt từ đầu thế kỷ này. Trung Quốc đã xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo tại đá Xu Bi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam), đồng thời đã triển khai (bất hợp pháp) các phương tiện quân sự ở đó.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực The Hague đã tuyên bố hành vi của Trung Quốc là "bất hợp pháp", đồng thời bác bỏ cái gọi là "đường chín đoạn" do Trung Quốc vẽ phứa ra. Bắc Kinh ngang ngược cho rằng phán quyết này không có hiệu lực, không bị ràng buộc pháp lý, nên không chấp nhận, không thừa nhận. Bắc Kinh chỉ muốn tiến hành giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương.
Theo báo Nga, từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài, lập trường của các nước khác ở Biển Đông trở nên "ôn hòa" hơn, đặc biệt là Philippines đã chuyển sang thực hiện đường lối giao hảo với Bắc Kinh. Xu hướng giải quyết bằng đàm phán song phương hiện nay chính là điều mà Trung Quốc mong muốn và tìm cách thúc đẩy.
Mỹ đương nhiên không chấp nhận hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Dựa vào phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở Hà Lan, tàu chiến Mỹ bắt đầu qua lại tới tấp hơn ở Biển Đông, bao gồm vùng biển mà Trung Quốc tự cho là "thuộc lãnh thổ" của họ. Trung Quốc đã rất tức tối với Mỹ về chuyện này.
Nga không liên minh với Trung Quốc
Theo báo chí Nga, dầu mỏ Nga bắt đầu chuyển hướng sang phương Đông. Bắt đầu từ ngày 5/1/2018, xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang châu Âu giảm 19% so với cùng kỳ, trong khi đó, quy mô cung ứng dầu mỏ cho Trung Quốc tăng 43%.
Hiện nay, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1/4 dầu mỏ của thế giới. 3 năm gần đây, tốc độ tăng bình quân hàng năm của nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc là 5%, còn của toàn cầu là 1,7%.
Nga là nhà cung ứng dầu mỏ lớn của Trung Quốc, do hai bên đã ký kết hợp đồng lâu dài, trong đó hợp đồng lớn nhất được ký vào năm 2013. Căn cứ vào thỏa thuận này, Nga nhận được khoản tiền 20 tỷ USD. Tháng 3/2018, hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho biết Nga đã 12 tháng liên tục trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc.
Trung Quốc mở rộng nhập khẩu dầu mỏ của Nga là do dầu mỏ Nga có lời hơn so với dầu mỏ ở khu vực bất ổn Trung Đông, hơn nữa dầu mỏ WSPO của Nga có chất lượng cao hơn dầu mỏ BRENT. Vì vậy, xu thế tăng trưởng xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc rất có khả năng sẽ lâu dài.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor V. Morgulov nói rằng Nga hiện nay và tương lai đều sẽ không có ý định xây dựng một liên minh với Trung Quốc, bởi vì điều này không phù hợp với quan điểm chung về đặc trưng hợp tác của hai nước.
Ông Morgulov cho biết Moscow và Bắc Kinh thường xuyên đưa ra lập trường chung "với tư cách là bên có ý kiến tương đồng về các vấn đề toàn cầu và khu vực".
Đồng thời mỗi bên cũng có ý kiến riêng, không phải luôn luôn có lợi ích kinh tế thống nhất trên các phương diện. Trong tình hình cá biệt, hai bên sẽ xuất hiện cạnh tranh trực tiếp về kinh tế.