Trung Quốc, Đài Loan 'khẩu chiến' về các nghi can lừa đảo

Cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan về cách thức đôi bên xử lý những nghi can lừa đảo qua điện thoại nhắm vào công dân Trung Quốc đã gia tăng cường độ và mang nhiều màu sắc chính trị hơn.
Ông Andrew Hsia (thứ 3-bên phải), Bộ trưởng Hội đồng giao Đại lục, phát biểu tại Ủy ban Nội vụ của Quốc hội Đài Loan vào ngày 13/4/2016.
Ông Andrew Hsia (thứ 3-bên phải), Bộ trưởng Hội đồng giao Đại lục, phát biểu tại Ủy ban Nội vụ của Quốc hội Đài Loan vào ngày 13/4/2016.

Cuộc tranh cãi bắt đầu hồi tuần trước, khi giới hữu trách Kenya cho phép Trung Quốc ép buộc hơn 40 công dân Đài Loan trở về Trung Quốc. Những người Đài Loan đã được xử trắng án ở Kenya về tội kinh doanh viễn thông không có giấy phép và lẽ ra sẽ được về Đài Loan, nhưng lại bị đưa tới Trung Quốc.

Giới hữu trách Bắc Kinh không cho biết những nghi can này sẽ bị truy tố như thế nào và bác bỏ yêu cầu của Đài Loan đòi được gặp công dân của mình.

Hai nghi can, họ Tiền và họ Lưu, đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn hoặc đưa lên truyền hình trong một vụ việc rõ ràng là một vụ cưỡng bức thú tội ngay cả trước khi bị khởi tố hoặc bị xét xử trước toà án.

Tuy nhiên, khi một nhóm nghi can lừa đảo khác bị bắt ở Malaysia, Đài Loan đã xoay sở để họ được đưa về Đài Loan. Sau khi về tới Đài Bắc, những nghi can này đã được thả vì thiếu bằng chứng, khiến cho giới hữu trách Trung Quốc cảm thấy căm tức nhiều hơn nữa.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã giận dữ phản đối việc Malaysia quyết định trả các nghi can người Đài Loan về Đài Bắc. Bài xã luận của báo này nói rằng việc giới hữu trách Đài Loan trả tự do cho các nghi can chỉ vài giờ sau khi họ về tới Đài Bắc vì thiếu bằng chứng là một việc gây xấu hổ cho Đài Loan và cho thể chế pháp trị.

Những nạn nhân người Trung Quốc tố cáo Đài Loan che chở tội phạm. Con gái của một nạn nhân nói trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc: "Khi tôi nghe tin tức nói rằng những kẻ lừa đảo người Đài Loan đó bị bắt, tôi cảm thấy yên tâm đôi chút. Nhưng bây giờ chúng tôi được biết những người bị trục xuất về Đài Loan đã được thả. Đài Loan che chở và toa rập với thành phần tội phạm. Sẽ có nhiều người bị bọn chúng làm hại".

Tường thuật của CCTV không trưng ra bằng chứng hay sự liên hệ nào giữa những nạn nhân bị lừa đảo với những người Đài Loan bị bắt.

Tại Đài Loan, nhiều người cho rằng hơn 40 công dân Đài Loan ở Kenya bị trục xuất sang Trung Quốc là một vụ bắt cóc. Nhưng tờ Hoàn cầu Thời báo nói rằng việc Đài Loan thả những nghi can bị Malaysia trục xuất cho thấy bộ mặt xấu xa của nền chính trị Đài Loan.

Ông Khưu Thái San, người được chỉ định giữ chức bộ trưởng tư pháp trong chính phủ sắp lên nắm quyền vào tháng 5, không đồng ý với nhận định đó.

Ông Khưu nói: "Vụ này nêu bật sự khác biệt giữa Đài Loan với Trung Quốc về thể chế pháp trị và sự bảo vệ các quyền của nghi can". Ông Khưu cho biết Đài Loan tôn trọng nguyên tắc người chưa bị toà án kết tội là người vô tội và cuộc thẩm vấn nghi can phải có mặt luật sư – những thủ tục mà Trung Quốc thường không tôn trọng.

Ông Khưu nói thêm: "Nói tóm lại thì trong bất cứ tình huống nào, không nước nào có thể từ bỏ quyền tài phán đối với công dân của mình, đối với những người vi phạm pháp luật, bất kể là khi họ ở trong nước hay khi ở nước ngoài".

Tháng 11/2015, Trung Quốc phát động chiến dịch trấn áp nạn lừa đảo qua điện thoại. Theo ước tính của chính quyền, những vụ lừa đảo này gây ra hơn 1,5 tỷ USD thiệt hại trong vài năm nay. Ông Khưu Thái San nói rằng vì tính chất nghiêm trọng của sự việc mà Đài Loan với Trung Quốc cần phải hợp tác với nhau để bảo vệ công lý.