Trung Quốc đã bịa đặt như nào về cái gọi là “đồng thuận Biển Đông”?

VietTimes -- Ngoài phản đối chính thức của một số nước, các quan chức và nhiều tờ báo quốc tế đã vạch trần sự giả dối và bịa đặt trắng trợn của Bắc Kinh.
Ngày 14/6/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng phát biểu xuyên tạc về sự ủng hộ của các nước đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nguồn ảnh: Đa Chiều.
Ngày 14/6/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng phát biểu xuyên tạc về sự ủng hộ của các nước đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nguồn ảnh: Đa Chiều.

Đa Chiều, một tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 17/6 cho rằng, gần đây, Đối thoại Shangri-La tổ chức ở Singapore tiếp tục tập trung quan tâm đến vấn đề Biển Đông.

Trong đối thoại, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc phản bác chỉ trích đối với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, tái khẳng định Trung Quốc không chấp nhận phán quyết sắp đưa ra của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc.

Trước đó, cuối tháng 4/2016, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã tiến hành thăm 3 nước ASEAN gồm Brunei, Campuchia và Lào. Sau khi kết thúc chuyến thăm, Vương Nghị cho biết Trung Quốc và 3 nước này đã đạt "đồng thuận 4 điểm" về vấn đề Biển Đông. 

Ngoài ra, gần đây, Trung Quốc liên tục công bố, lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông đã nhận được sự ủng hộ của "hơn 40 nước" và nay là "60 nước". Nhưng dư luận thực sự không tin vào điều này.

Bởi vì, ngoài phản đối chính thức của một số nước, các quan chức và nhiều tờ báo quốc tế đã vạch trần sự giả dối và bịa đặt trắng trợn của Bắc Kinh.

Đa Chiều cho rằng Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã giữ thái độ "không xác định" đối với việc Trung Quốc tuyên bố đạt "đồng thuận" với 3 nước Brunei, Campuchia và Lào về vấn đề Biển Đông. 

Khi được hỏi về "đồng thuận" này vào ngày 9/5, ông Lê Lương Minh nói: "Chúng tôi không hề biết gì về việc Trung Quốc và 3 nước ASEAN đạt được đồng thuận nào. Cũng chưa từng nghe thấy Lào và Brunei đề cập đến nội dung của thỏa thuận hoặc sự việc xảy ra".

Tờ The National Interest Mỹ ngày 14/6 cho rằng nếu "đồng thuận" chỉ là đồng thuận giữa ba nước ASEAN với Trung Quốc, chứ không phải đồng thuận giữa ASEAN và Trung Quốc thì đồng nghĩa với sự chia rẽ của nội khối ASEAN. 

Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa bất hợp pháp. Nguồn ảnh: CSIS/Đa Chiều.
Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa bất hợp pháp. Nguồn ảnh: CSIS/Đa Chiều.

Vì vậy, muốn xác nhận ASEAN có chia rẽ hay không, cần xem xét ba nước ASEAN nhìn nhận về chuyến thăm của ông Vương Nghị như thế nào là rất cần thiết.

Việc ông Vương Nghị thăm 3 nước ASEAN vào cuối tháng 4 là một sự thực không thể tranh cãi, nhưng quan điểm của ba nước này và Trung Quốc về “đồng thuận” mà Bắc Kinh bịa ra là “không thống nhất”.

Trong tuyên bố sau hội nghị với người đồng cấp Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Brunei và Lào đều không đưa ra những phát biểu chi tiết về tranh chấp Biển Đông, hơn nữa chưa từng đề cập đến đạt được bất cứ đồng thuận nào với Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia thậm chí chưa từng ra tuyên bố sau cuộc hội đàm với phía Trung Quốc. Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng định, nước ông chẳng đạt được bất cứ thỏa thuận gì với phía Trung Quốc. 

Ông Phay Siphan nói: "Campuchia hoàn toàn không đạt được bất cứ thỏa thuận và đồng thuận nào với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đây chỉ là một chuyến thăm bình thường của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc mà thôi". 

Rõ ràng, Trung Quốc rất muốn đạt được "đồng thuận" với các nước về tranh chấp Biển Đông trong chuyến thăm này. Các nước mà ông Vương Nghị lựa chọn đến thăm là những nước mà Trung Quốc cho rằng họ sẽ không đưa ra phản đối mạnh mẽ khi Bắc Kinh đưa ra tuyên bố về "đồng thuận".

Việc làm này là một phần trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc, muốn làm tan rã sự đoàn kết của ASEAN, đồng thời tìm cách nhận được sự "ủng hộ" của cộng đồng quốc tế trước khi Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines.
 
Ấn tượng từ "đồng thuận" này là Trung Quốc đồng thời gặp gỡ ba nước ASEAN và "đạt thống nhất về phương thức giải quyết tranh chấp Biển Đông". 

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa bất hợp pháp. Nguồn ảnh: Huffingtonpost.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa bất hợp pháp. Nguồn ảnh: Huffingtonpost.

Đây không phải là sự thực, đặc biệt là trong tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao ba nước ASEAN này không hề đề cập đến "đồng thuận" (hoặc có từ ngữ nào với ý tứ như vậy) về vấn đề tranh chấp Biển Đông. Vì vậy, "đồng thuận" này hoàn toàn là do Trung Quốc bịa đặt.

Như vậy, khúc mắc giữa các nước thành viên ASEAN sẽ không "sâu" như báo chí nói tới. Hơn nữa, Brunei, Campuchia và Lào có thể vẫn coi tầm quan trọng của thống nhất ASEAN vượt xa bất cứ "thỏa thuận" nào đạt được giữa họ với Trung Quốc. Điều này cho thấy, ASEAN vẫn tương đối đoàn kết.

Tất cả các nước lớn từ lâu thừa nhận và chấp nhận sự trung lập của ASEAN. Nhưng, trong vài năm tới, thách thức quan trọng của ASEAN là làm thế nào để đoàn kết khi đối mặt với sự chuyển biến quan trọng của tình hình khu vực - cạnh tranh giữa Trung-Mỹ đang gia tăng. 

Sự chia rẽ nội khối ASEAN không có lợi cho 10 nước thành viên, cũng không có lợi cho cân bằng nước lớn. Chỉ có một ASEAN đoàn kết mới có thể phát huy vai trò tích cực và lâu dài trong các vấn đề quốc tế của thế kỷ 21.