Trung Quốc có thể đã ngăn chặn virus corona, nhưng với cái giá quá đắt

Bắc Kinh nói các biện pháp mạnh tay của họ đã có tác dụng. Liệu các nước khác có thể áp dụng cách thức chống dịch của Trung Quốc hay không?

Trong khi virus corona mới đang lây lan trên khắp thế giới, làm đảo lộn thị trường, gây gián đoạn hoạt động đi lại toàn cầu, khiến hàng trăm triệu trẻ em phải nghỉ học, các chính phủ đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn dịch bệnh.

Trung Quốc, nơi dịch bệnh xuất hiện đầu tiên, cho biết họ có câu trả lời.

Gây bất ngờ cho một số người, quốc gia đông dân nhất thế giới dường như đã kiểm soát được tình hình, ít nhất đó là những gì số liệu chính thức của họ cho thấy. Số lượng ca nhiễm mới được báo cáo đã giảm đáng kể trong những ngày gần đây ngay cả khi sự lây lan của virus đang bùng phát mạnh ở các nước khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ca ngợi các biện pháp của Bắc Kinh.

Ngay cả các nước có thể làm theo Trung Quốc vẫn phải tự hỏi liệu phương pháp chữa bệnh của họ có tệ hơn cả chính căn bệnh hay không.

Có thể "bắt chước" Trung Quốc?

Trung Quốc chỉ phát hiện 19 ca nhiễm mới trong ngày 9/3, giảm từ mức trên dưới 2.000 ca mỗi ngày chỉ vài tuần trước. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp Hồ Bắc không ghi nhận ca nhiễm mới nào ngoài Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh. 16 bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán từ hôm 10/3.

Trung Quốc cho biết xu hướng này chứng minh rằng các biện pháp ngăn chặn - bao gồm phong tỏa gần 60 triệu người ở Hồ Bắc cũng như kiểm dịch nghiêm ngặt, hạn chế đi lại đối với hàng trăm triệu công dân và người nước ngoài - đang cho có hiệu quả.

Và Bắc Kinh bắt đầu tuyên truyền về nỗ lực "thành công" này trong và ngoài nước.

Người nhiễm virus corona được điều trị tại Bệnh viện Chữ Thập Đỏ ở Vũ Hán hôm 6/3. Ảnh: AFP.
Người nhiễm virus corona được điều trị tại Bệnh viện Chữ Thập Đỏ ở Vũ Hán hôm 6/3. Ảnh: AFP.

Phần còn lại của thế giới, phần lớn đang đối mặt với những ca bệnh đầu tiên trong lo sợ, nhìn thấy điều này. Song cũng có lo ngại rằng thống kê của Trung Quốc có thể sai sót và không đầy đủ.

Bài kiểm tra thực sự sẽ là liệu virus có bùng phát trở lại khi trẻ em quay lại trường, công nhân quay lại nhà máy và xe buýt, tàu điện nối lại hoạt động.

Chiến lược cưỡng ép của Trung Quốc đặt ra những câu hỏi quan trọng hơn cho các quốc gia khác khi các biện pháp mạnh tay mà họ áp dụng đã khiến sinh kế và tự do cá nhân của người dân bị tổn hại nặng nề.

"Tôi nghĩ rằng họ đã làm rất tuyệt vời để đánh bại virus", Michael T. Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói. "Nhưng tôi không biết liệu việc đó có bền vững không. Người Trung Quốc thực sự đã đạt được những gì? Họ đã thực sự ngăn chặn được virus chưa? Hay họ chỉ mới kiềm chế nó?".

Ở những nơi khác, Italy, Hàn Quốc và Iran đang chiến đấu để kiểm soát sự lây lan của virus. Tại Mỹ, nơi đã có gần 700 ca nhiễm được xác nhận, chính phủ bị chỉ trích vì chậm chạp trong việc cung cấp dụng cụ xét nghiệm và để virus lây lan ở các cộng đồng dễ bị tổn thương như viện dưỡng lão ở Seattle.

Dịch bệnh giờ đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu và làm gia tăng làn sóng chống nhập cư và toàn cầu hóa. Các quốc gia nghiên cứu phương pháp tiếp cận của Trung Quốc sẽ cần phải xem xét việc cách làm này đã làm đảo lộn gần như mọi ngóc ngách của xã hội nước này ra sao.

Nền kinh tế gần như rơi vào bế tắc và nhiều doanh nghiệp nhỏ nói rằng họ có thể sắp phá sản. Bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang phải vật lộn để được chữa trị kịp thời, và một số người đã chết.

Hàng trăm triệu người đã bị cách ly theo những cách khác nhau. Theo China Daily, khoảng 827.000 người vẫn còn bị cách ly ở Bắc Kinh tính đến 6/3.

"Tôi đã lo lắng về chuyện mọi trọng tâm chỉ dành cho việc kiểm soát virus", tiến sĩ Jennifer Nuzzo, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói.

Bà khuyến nghị cách phản ứng chừng mực hơn, như được thực hiện tại Hong Kong và Singapore. Giới chức ở đó đã tiến hành cách ly theo từng đối tượng cụ thể, nhưng không đóng cửa hoàn toàn nơi làm việc, cho phép các ngành nghề tương ứng tiếp tục hoạt động, cùng lúc khống chế virus thành công.

"Chúng ta phải có cái nhìn bao quát về tác động đối với xã hội", tiến sĩ Nuzzo nói, "và lưu tâm nhiều hơn đến thiệt hại xã hội mà các biện pháp này mang lại, không chỉ thể hiện qua các con số".

Khung cảnh tại một chợ ở Bắc Kinh vào tuần trước. Nền kinh tế Trung Quốc gần như rơi vào bế tắc và nhiều doanh nghiệp nhỏ nói rằng họ có thể sắp phá sản. Ảnh: Getty.
Khung cảnh tại một chợ ở Bắc Kinh vào tuần trước. Nền kinh tế Trung Quốc gần như rơi vào bế tắc và nhiều doanh nghiệp nhỏ nói rằng họ có thể sắp phá sản. Ảnh: Getty.

Phần nổi tảng băng

Đối với Trung Quốc, số liệu là mấu chốt. Thống kê 19 ca nhiễm mới hôm 9/3 cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với 3 tuần trước, khi Trung Quốc ghi nhận khoảng 2.000 ca nhiễm mới và có tới 100 ca tử vong mỗi ngày. 17 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 9/3 đều ở Hồ Bắc.

Để so sánh, Italy đã ghi nhận 168 ca tử vong hôm 10/3, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên đến 631, chiếm hơn một nửa số ca tử vong ngoài Trung Quốc.

Bên ngoài Vũ Hán, sự lây lan đã chấm dứt trên thực tế, theo số liệu chính thức. 17/19 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 9/3 là ở Vũ Hán và 2 ca còn lại là người mới nhập cảnh Trung Quốc.

WHO nói biện pháp ngăn chặn của Trung Quốc có thể đã giúp hàng trăm nghìn người không bị lây nhiễm. Những nỗ lực của họ cho thấy sự lây lan không kiểm soát được của virus "không phải là con đường một chiều", tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nói hôm 5/3.

"Dịch bệnh này có thể được đẩy lùi", ông Tedros nói, "nhưng chỉ khi chúng ta áp dụng cách tiếp cận tập thể, phối hợp và toàn diện, với sự tham gia của toàn bộ máy chính quyền".

Các chuyên gia WHO cử đến Trung Quốc cũng nhấn mạnh vai trò của các bệnh viện có thể chẩn đoán hàng trăm trường hợp mỗi ngày bằng ảnh chụp cắt lớp và xét nghiệm, cũng như các trung tâm cách ly hàng loạt tại sân vận động ở Vũ Hán giúp người nhiễm virus dạng nhẹ cách xa gia đình họ.

"Không có nghi ngờ gì về việc cách tiếp cận táo bạo của Trung Quốc trước sự lây lan nhanh chóng của mầm bệnh đường hô hấp mới này đã thay đổi tiến trình của những gì đã leo thang nhanh chóng và tiếp tục là dịch bệnh chết người", tiến sĩ Bruce Aylward, lãnh đạo nhóm nghiên cứu của WHO đến Trung Quốc, nói với các phóng viên ở Bắc Kinh cuối tháng trước.

Giờ cao điểm không đông đúc như thường thấy tại Bắc Kinh hôm 6/3. Ảnh: Getty.
Giờ cao điểm không đông đúc như thường thấy tại Bắc Kinh hôm 6/3. Ảnh: Getty.

Các con số cho thấy các biện pháp kiểm dịch quyết liệt, khi được thực thi đầy đủ, có thể ngăn chặn sự lây lan của virus, theo tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt

"Đây là thí nghiệm y tế công cộng lớn nhất trong lịch sử loài người", tiến sĩ Schaffner nói. "Họ không thể dập tắt nó, nhưng họ đã dìm nó xuống. Và việc này đã đã cho phần còn lại của thế giới thêm thời gian".

Tuy nhiên, tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc, hơn 80.000, vẫn gây choáng váng. Và có nhiều lý do để nghi ngờ số liệu chính thức.

Trong những ngày đầu của dịch bệnh, việc thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm và giường bệnh đồng nghĩa với việc nhiều người không thể làm xét nghiệm. Nhiều ca bệnh nhẹ có thể không bị phát hiện. Chính phủ đã thay đổi cách tính số ca nhiễm nhiều lần trong những tuần gần đây, gây ra biến động lớn trong số liệu được công bố, dù các chuyên gia nói rằng những điều chỉnh như vậy không phải là bất thường.

Các chuyên gia y tế nói rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy chính phủ đã ráo riết xét nghiệm để phát hiện người nhiễm virus corona, tên chính thức là SARS-CoV-2, bên ngoài các cơ sở y tế ở Hồ Bắc. Cho đến khi họ mở rộng phạm vi xét nghiệm, sẽ không thể xác định được quy mô thực sự của dịch bệnh vì những người bệnh nhẹ có thể không đi gặp bác sĩ.

"Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào phần nổi của tảng băng trôi", David Hui, Giám đốc Trung tâm Stanley Ho về Các bệnh truyền nhiễm mới tại Đại học Hong Kong, nói.

Đằng sau những con số

Chính quyền Trung Quốc nói việc dịch giảm tốc là dấu hiệu cho thấy sự vượt trội của hệ thống chính trị. Song các biện pháp mạnh tay của chính quyền đang thử thách sự kiên nhẫn của công dân, với nhiều người rằng Trung Quốc đã có thể không cần áp dụng các biện pháp này nếu ban đầu giới chức không che giấu tình hình.

Tác động của những biện pháp hạn chế được cảm nhận sâu sắc nhất ở Hồ Bắc, nơi 56 triệu người đã không được phép đi lại tự do kể từ tháng 1. Trong hơn 5 tuần, trung tâm đại học, thương mại và giao thông vốn luôn nhộn nhịp ở miền Trung Trung Quốc đã biến thành thành các "thị trấn ma" trong lúc virus tán phá các cộng đồng, bao vây các gia đình và đe dọa tính mạng hàng nghìn nhân viên y tế.

Dựng rào chắn tại một khu dân cư ở Vũ Hán. Ảnh: Getty.
Dựng rào chắn tại một khu dân cư ở Vũ Hán. Ảnh: Getty.

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc chiến đấu với virus cũng đã cho thấy rõ nguy cơ lây nhiễm trong gia đình nếu bệnh viện hết giường và dụng cụ xét nghiệm, như đã xảy ra ở Vũ Hán, nơi trong nhiều tuần, nhiều người bệnh phải về nhà và sau đó lây nhiễm cho người thân của họ.

Rào chắn phong tỏa các thành phố, giao thông công cộng ngừng hoạt động và xe cá nhân gần như bị cấm sử dụng. Ở Vũ Hán, những hạn chế đối với việc di chuyển cá nhân được đẩy mạnh trong những tuần gần đây và người dân giờ hầu như không được rời khỏi nhà.

Có những dấu hiệu cho thấy sự tức giận và thất vọng đang gia tăng trong cư dân Hồ Bắc. Mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập các bài đăng của người dân nói rằng họ đã mất việc vì tình trạng phong tỏa kéo dài, gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ ngân hàng. Những người khác nói về tình trạng thiếu lương thực thực phẩm tại cộng đồng của họ.

Các mối quan hệ cũng đang bị xáo trộn khi các gia đình buộc phải sống cùng nhau trong không gian hạn chế suốt thời gian dài. Guo Jing, một nhà hoạt động nữ quyền ở Vũ Hán, cho biết cô và các tình nguyện viên khác đã nhận được nhiều yêu cầu giúp đỡ từ những người dân trình báo việc họ lạm dụng thể xác bởi các thành viên gia đình tại nhà.

"Trong những trường hợp này, họ rất khó tìm được sự giúp đỡ khi dịch bệnh xảy ra", bà Guo nói. "Thật khó để rời khỏi nhà".

Nhân viên siêu thị chuẩn bị giao rau cho người dân tại Vũ Hán. Ảnh: Getty.
Nhân viên siêu thị chuẩn bị giao rau cho người dân tại Vũ Hán. Ảnh: Getty.

Ngoài Hồ Bắc, Trung Quốc muốn thúc đẩy nền kinh tế, nhưng các quan chức địa phương cũng chịu áp lực rất lớn, lo sợ có thêm người nhiễm và không muốn đánh đổi rủi ro.

Ngay cả khi các tỉnh đã giảm mức độ cảnh báo về virus, nhiều công ty đang chọn phương an toàn là trên hết. Theo bài điều tra gần đây của Caixin, tạp chí có ảnh hưởng tại Trung Quốc, một số công ty thậm chí đã ngụy tạo mức tiêu thụ điện để đạt được các chỉ tiêu "trở lại làm việc".

Một số chuyên gia đang tự hỏi liệu biện pháp phong tỏa của Trung Quốc có trở nên vô nghĩa khi virus ngày càng lan rộng. Với sự lây lan của virus trên toàn cầu như hiện nay, cũng như việc khó phát hiện các ca bệnh nhẹ, việc loại bỏ hoàn toàn virus là điều không thể - ngay cả ở Trung Quốc

"Tôi thực sự nghĩ việc số ca nhiễm giảm xuống có thể cho thấy mọi biện pháp đáng kinh ngạc đã được thực hiện có thể có hiệu quả", Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng TH Chan thuộc Đại học Harvard, nói. "Nhưng tôi không nghĩ là không là không".

Theo NYTimes/Zing.vn