Trung Quốc cố phớt lờ những sai trái ở biển Đông

“Do đã quá nhiều lần Trung Quốc dùng xảo thuật ngôn từ hòng qua mắt dư luận nên phát biểu của ông Tập Cận Bình không thể tạo được niềm tin đối với các học giả quốc tế”.
Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất tại Trường Sa
Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất tại Trường Sa

Gần đây, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters và trước đó là trên tờ The Wall Street Journal, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình công khai nói về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của TQ đối với các đảo và đá ở biển Hoa Nam (cách gọi của TQ về biển Đông), gọi đó  là “lãnh thổ TQ từ thời cổ đại” và do “cha ông để lại”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Công Trục (ảnh), nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói: “TQ đang thực hiện hàng loạt các hoạt động sai trái và tổ chức các bước đi tiếp theo nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông, biến “vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp”, tìm mọi cách hiện thực hóa yêu sách đường “lưỡi bò” bao lấy trên 90% diện tích biển Đông như hàng loạt hành động leo thang gây hấn những năm qua”.

Trung Quốc “biến không thành có” cả thế kỷ rồi

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những phát biểu của ông Tập về cái gọi là chủ quyền của TQ đối với các đảo và đá ở biển Đông?

+ TS Trần Công Trục: Ông Tập Cận Bình nói rằng TQ có cái gọi là “chủ quyền” đối với Trường Sa “từ thời cổ đại” và có chủ đích tránh né đề cập đến Hoàng Sa của Việt Nam (VN) bị TQ xâm lược và chiếm đóng trái phép từ 1956, 1974 đến nay. Chỉ riêng điều này thôi đã cho thấy sự tùy tiện, ngẫu hứng của một chính khách trước các vấn đề pháp lý và lịch sử có liên quan đến lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

Sự thật lịch sử không thể giấu giếm được là từ thế kỷ XIX trở về trước, người Trung Hoa luôn coi biển và đại dương là hiểm họa cho sự tồn tại của họ, một phần vì họ không kiểm soát được, phần nữa vì cướp biển thường xuyên đe dọa trong nhiều thế kỷ, tạo thành một mối lo canh cánh cho triều đình phong kiến TQ. Nhiều chính sách ngăn cấm rất nghiệt ngã được đề ra làm kim chỉ nam cho việc giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa... Đã có những thời kỳ ai đặt chân xuống biển đã bị coi là đại tội, dân chúng bị bắt buộc di cư vào trong đất liền 40 dặm, dọc theo duyên hải từ Nam chí Bắc không một bóng người.

Trung Quốc rầm rộ xây dựng các công trình nhân tạo ở biển Đông, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Ảnh: CSIS

Để đánh giá một cách khách quan về những nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ, tôi xin trích dẫn bình luận sau đây của một học giả người TQ, GS Lý Lệnh Hoa, Trung tâm Thông tin hải dương TQ, như sau: “Nói đến quyền lợi Nam Hải (tức biển Đông), chúng ta thường thích nói một câu là từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào hai chữ “thiêng liêng”. Đó chính là cái gọi là chứng cứ lịch sử… Nhưng chứng cứ lịch sử đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại. Chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực tế. Anh nói chỗ đó là của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa? Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa (tên gọi quần đảo Trường Sa của VN mà phía TQ tự đặt ra), chúng ta đã không có được điều đó…”.

. Từ trước tới giờ sự toan tính “độc chiếm biển Đông” đã được TQ đề cập đến rất nhiều nhưng việc ông Tập, một người đứng đầu nhà nước TQ phát ngôn một cách chính thức và liên tục như thế trước dư luận quốc tế là hết sức đặc biệt. Phải chăng là một bước tiến mới trong mưu đồ của TQ?

+ Quan điểm chính thức của VN để khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước sau như một, có thể tóm tắt như sau: Nhà nước VN là nhà nước đầu tiên trong lịch sử, ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, rõ ràng, liên tục và hòa bình; phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện thời.

Rõ ràng TQ đã “biến không thành có” từ đầu thế kỷ XX, bằng thủ đoạn lợi dụng những thời điểm lịch sử để tổ chức đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa vào những năm 1956, 1974, 1988, 1995 và chiếm đóng trái phép đến ngày nay. Không dừng lại ở đó, TQ còn thực hiện hàng loạt hoạt động sai trái khác, mang tính leo thang gây hấn những năm qua.

Trung Quốc dùng xảo thuật qua mắt dư luận

. Liên quan đến việc TQ xây các công trình nhân tạo trên bảy thực thể chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa đang được dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ, để tìm cách trấn an dư luận, phát biểu trên một tờ báo quốc tế ông Tập Cận Bình cam kết: “Hoạt động xây dựng có liên quan mà TQ đang tiến hành ở Trường Sa không nhằm mục tiêu hoặc gây ảnh hưởng đến bất cứ quốc gia nào và TQ không có ý định theo đuổi (mục đích) quân sự”. Nhưng những gì thực tiễn đang diễn ra cho thấy sự cam kết của ông Tập một đằng, còn hành động của TQ ở biển Đông lại một nẻo?

+ Do đã quá nhiều lần TQ dùng xảo thuật ngôn từ hòng qua mắt dư luận nên phát biểu của ông Tập Cận Bình không thể tạo được niềm tin đối với các học giả quốc tế.

Những động thái mới nhất này cùng với những gì đã diễn ra trên biển Đông thời gian qua đã tố cáo bản chất cam kết của ông Tập Cận Bình chỉ là trò “ảo thuật ngôn từ” nhằm che đậy dã tâm và hành động bành trướng của TQ nhằm độc chiếm biển Đông. Động thái này nhằm tìm cách hoãn xung, “giảm xóc” các áp lực từ Mỹ và khu vực về chống chủ nghĩa bành trướng, chà đạp luật pháp quốc tế trên biển Đông, đe dọa dùng vũ lực, phá hoại hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Người ngây thơ nhất cũng không thể tin được lời ông Tập Cận Bình.

Nếu cứ để TQ tùy tiện đòi 12 hải lý cho các thực thể không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý ở biển Đông thì các bên yêu sách khác cũng sẽ làm được. Điều này tạo ra một xu thế nguy hiểm là bồi lấp đảo nhân tạo, biến đổi hiện trạng các thực thể để đòi các vùng biển mở rộng, ít nhất là 12 hải lý lãnh hải, nhiều hơn nữa là 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Như vậy thế giới này loạn mất.

Đặc biệt là ở biển Đông, khi TQ bồi lấp đảo nhân tạo đồng loạt ở bảy thực thể chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa cùng các rạn san hô, bãi cạn ở Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough thì họ có thể đòi yêu sách vô lý 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, chỉ ba chân vạc này là có thể phủ kín biển Đông, hiện thực hóa đường “lưỡi bò”. Điều này xảy ra có nghĩa biển Đông thành ao nhà TQ, tàu thuyền các nước muốn qua lại như trước, ngư dân các nước muốn đánh bắt như trước phải xin phép, nộp tô cho TQ. Đó thực sự là một thảm họa.

Xin cám ơn ông.

Học giả M.Taylor Fravel, một chuyên gia về quân đội TQ từ Viện Công nghệ Massachusetts, bình luận: “Những gì Tập Cận Bình tuyên bố còn phụ thuộc vào cách người TQ định nghĩa các thuật ngữ. Thực tế, các thực thể ở Trường Sa bị TQ chiếm đóng (bất hợp pháp) đều đã được quân sự hóa và có lính đồn trú với vũ khí tối thiểu là để phòng thủ”.

“Những lời hoa mỹ đó có thể giúp Mỹ và những nước khác tham khảo về tuyên bố của Tập Cận Bình đánh giá hành động của TQ trong khu vực…” - ông Taylor Fravel nói.

Các nhà phân tích và quan chức Mỹ thừa biết việc quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo bất hợp pháp đã bắt đầu và câu hỏi duy nhất đặt ra hiện nay là sẽ có bao nhiêu vũ khí mới TQ sẽ kéo ra lắp đặt tại đây. Họ lưu ý rằng những bức ảnh chụp từ vệ tinh từ đầu tháng 9 cũng cho thấy TQ đang tiếp tục nạo vét xung quanh các đảo nhân tạo, một tháng sau khi họ tuyên bố rằng hoạt động bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ấy đã dừng lại.

Tuần san Quốc phòng của hãng tin quân sự Jane đã công bố ảnh vệ tinh mới nhất trên đá Chữ Thập chụp ngày 20-9 cho thấy TQ đã hoàn thành đường băng trên bãi đá này và chuẩn bị bước vào hoạt động. Đường băng hoàn thành có thể cho phép TQ tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và bắt đầu tuần tra trên quần đảo (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp.

___________________________________

Các đảo nhân tạo TQ bồi lấp ở Trường Sa không thể có lãnh hải 12 hải lý. Bởi vì bảy thực thể mà TQ cất quân xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp trong quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, VN) tháng 3-1988 và năm 1995 là những rạn san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Chắc chắn rằng chúng không phải đảo tự nhiên theo định nghĩa của UNCLOS, không có đời sống kinh tế riêng, không thể có quy chế lãnh hải 12 hải lý chứ đừng nói tới vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

TS TRẦN CÔNG TRỤC

Theo PLTP