Trung Quốc chưa thể “đua” tàu sân bay hạt nhân với Mỹ

VietTimes -- Hiện nay, bất kể về công nghệ, khả năng kinh tế hay chiến lược hải quân và môi trường xung quanh, đều bất lợi cho Trung Quốc phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân.
Tàu sân bay USS George Washington trên Biển Đông. Ảnh: Sina
Tàu sân bay USS George Washington trên Biển Đông. Ảnh: Sina

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 8/9 cho rằng những hình ảnh mới nhất tình nghi là của tàu sân bay nội đầu tiên Type 001A do cộng đồng mạng Trung Quốc loan tin cho thấy, công tác lắp ráp các thiết bị cỡ lớn ở bộ phận dưới đường băng đã cơ bản kết thúc, sắp đến thời điểm hạ thủy tàu sân bay.

Với tiến độ chế tạo nhanh như vậy, dự kiến, trong tháng 9 này tàu sân bay sẽ cơ bản hoàn thành chế tạo. Trước đó, cấp cao Quân đội Trung Quốc cho biết, trong tương lai, Quân đội Trung Quốc sẽ có tàu sân bay lớn hơn, mạnh hơn.

Vấn đề đặt ra là Trung Quốc làm thế nào để duy trì đội ngũ chế tạo tàu sân bay ở cả 2 nhà máy tại Giang Nam và Đại Liên? Trong thời gian gần 71 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ đã không ngừng sáng tạo, tiến hành công tác chế tạo tàu sân bay liên tục, giờ công chế tạo tàu sân bay từ khoảng 40 triệu giảm xuống 33 triệu.

Hình ảnh tàu sân bay nội đầu tiên Type 001A Trung Quốc đã lắp ráp đảo tàu. Ảnh: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.
Hình ảnh tàu sân bay nội đầu tiên Type 001A Trung Quốc đã lắp ráp đảo tàu. Ảnh: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.

Hiện nay, Mỹ chế tạo tàu sân bay lớp Ford thế hệ mới cũng cần có một đội ngũ kỹ thuật được duy trì. Vì vậy, Hải quân Trung Quốc nếu muốn duy trì hai dây chuyền sản xuất và sự ổn định của đội ngũ kỹ thuật tàu sân bay khổng lồ, họ phải tiếp tục khởi động kế hoạch chế tạo tàu sân bay mới.

Hiện nay, bất kể về công nghệ, khả năng kinh tế hay chiến lược hải quân và môi trường xung quanh, đều bất lợi cho Trung Quốc phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân là tàu chiến có công nghệ chế tạo phức tạp nhất trên thế giới, tập trung thể hiện ở chế tạo lò phản ứng hạt nhân có công suất lớn, thời gian vận hành dài và độ tin cậy cao.

Muốn đẩy tàu sân bay động cơ hạt nhân vài chục nghìn tấn, chỉ dựa vào sử dụng lò phản ứng của tàu ngầm hạt nhân sẽ không thực tế; phải nghiên cứu phát triển lò phản ứng công suất lớn chuyên dụng.

Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Chinanews
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Chinanews

Tàu sân bay lớp Nimitz của Quân đội Mỹ sử dụng 2 lò phản ứng A4W hạt nhân tạo ra hơi nước áp lực cao làm xoay bốn trục cánh quạt, do Công ty Westinghouse Mỹ chế tạo, mỗi chiếc có công suất là 130.000 mã lực, tổng công suất là 260.000 mã lực. Trung Quốc còn có khoảng cách nhất định với nước ngoài trên phương diện này.

Hơn nữa, số lượng chế tạo tàu chiến động cơ hạt nhân của Trung Quốc còn ít. Trong sản xuất vật liệu tiên tiến liên quan động cơ hạt nhân, Trung Quốc luôn lạc hậu so với trình độ tiên tiến thế giới. Điều này cũng đã hạn chế khả năng nghiên cứu chế tạo động cơ hạt nhân của Trung Quốc.

Tờ Jane's Defense Weekly Anh cho rằng Trung Quốc còn tương đối lạc hậu trong việc nghiên cứu chế tạo lò mô hình trên đất liền. Tức là chế tạo thiết bị động lực (động cơ) hạt nhân mang tính thử nghiệm với công năng, tính năng, kích cỡ và điều kiện môi trường tương đồng.

Căn cứ vào thông lệ của nước ngoài, lò phản ứng hạt nhân loại mới của hầu hết tàu chiến động cơ hạt nhân trước khi chính thức trang bị đều cần chế tạo trước một lò phản ứng mô hình như vậy trên đất liền, sau khi thử nghiệm thành công sẽ trang bị cho tàu chiến.

Hiện nay, giữa nghiên cứu lò phản ứng trên đất liền và sử dụng lò phản ứng hạt nhân trên thực tế của Trung Quốc còn có khoảng cách rất lớn.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng Trung Quốc mặc dù vẫn chưa có kinh nghiệm chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân, nhưng khả năng và thời gian chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân sẽ do chiến lược quân sự quốc gia quyết định.

So với tàu sân bay động cơ thông thường, tàu sân bay động cơ hạt nhân có công nghệ phức tạp, kinh phí chế tạo cao. Nhưng, những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn về nghiên cứu phát triển trang bị kỹ thuật, rất nhiều công nghệ then chốt đang hoặc đã đột phá.

Trong tương lai, một khi Hải quân Trung Quốc sở hữu tàu sân bay động cơ hạt nhân, ngoài có ưu điểm là khả năng chạy liên tục có thể kéo dài vài chục năm, nó còn có thể giải quyết nhiều vấn đề như phóng máy bay trên tàu sân bay, dùng điện liên tục của các thiết bị điện tử tiên tiến. Điều này sẽ đưa Trung Quốc đứng vào hàng ngũ các nước có trình độ hàng đầu thế giới về tàu sân bay.

Tàu sân bay USS Carl Vinson Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Trên tàu sân bay USS Carl Vinson Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)