Tại phiên họp thứ 3 của kỳ họp thứ nhất quốc hội Trung Quốc khóa 13 diễn ra ở Bắc Kinh vào chiều 11.3, khoảng 3.000 đại biểu bỏ phiếu cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước này. Trong đó chỉ có 2 đại biểu bỏ phiếu chống và 3 người không bỏ phiếu, theo Reuters.
Kết quả là dự thảo sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc đã được thông qua, mở đường cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức vụ này sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2023.Trước đó, phát ngôn viên kỳ họp thứ nhất quốc hội Trung Quốc khóa 13 Trương Nghiệp Toại tuyên bố đề xuất bỏ giới hạn chủ tịch nước chỉ nhằm đồng bộ hóa chức danh này với hai chức danh Tổng bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch quân ủy trung ương, vốn không có giới hạn nhiệm kỳ.
Theo South China Morning Post, có 21 đề xuất sửa đổi Hiến pháp lần này và tất cả nhắm vào một mục tiêu là củng cố tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và thể chế hóa quyền lãnh đạo của đảng bằng cách làm mờ lằn ranh giữa đảng và nhà nước.Giới phân tích nhận định Chủ tịch Tập tin rằng sửa đổi Hiến pháp là cần thiết vì những thách thức mà Trung Quốc đối mặt ngày nay đòi hỏi phải có một vị lãnh đạo tập trung được quyền lực và một đảng cầm quyền vững mạnh.
Những thay đổi lần này cũng sẽ góp phần chấm dứt cuộc tranh luận là liệu CPC có đứng trên nhà nước hay không, theo South China Morning Post. Lần gần nhất Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp là vào năm 2004 để đưa vào thuyết "Ba đại diện" của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Khi đó, nước này mất một năm để chuẩn bị và tham vấn trong khi đề xuất lần này được hoàn thành chỉ trong vòng 5 tháng.
Đưa vào Hiến pháp Trung Quốc lần này còn có học thuyết chính trị của ông Tập Cận Bình, với tên gọi đầy đủ "Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới", được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của CPC hồi tháng 10.2017.