Trung Quốc bác bỏ viễn cảnh chiến tranh với Châu Á

Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ - ông Qu Xing đã khẳng định rằng không có lý gì để đặt các lợi ích then chốt và sự phát triển hoà bình đối chọi với nhau, bác bỏ một số ý kiến học giả về việc Trung Quốc sắp có chiến tranh với Châu Á.
Trung Quốc bác bỏ viễn cảnh chiến tranh với Châu Á

Ông Qu đã đưa ra phát biểu trên trong một cuộc tranh luận trực tiếp tại buổi lễ giới thiệu cuốn sách “Cuộc chiến sắp tới của Trung Quốc với Châu Á” được viết bởi học giả Bỉ Jonathan Holslag diễn ra hôm thứ Sáu tuần trước (27/2).   

"Bởi vì nội dung chính của cuốn sách là viết về việc liệu các lợi ích then chốt của Trung Quốc có tương thích, phù hợp với ý tưởng của nước này về con đường phát triển hoà bình hay không, chúng tôi đầu tiên và trên hết nên làm rõ về việc lợi ích then chốt của Trung Quốc là gì”, ông Qu nói.

Theo Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ, Bắc Kinh đã đưa ra một định nghĩa rất rõ ràng về các lợi ích then chốt của nước này trong cuốn “Sách trắng về Con đường phát triển hoà bình”. Những lợi ích then chốt của Trung Quốc được Bắc Kinh xác định bao gồm "chủ quyền quốc gia; an ninh quốc gia; toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước; hệ thống chính trị được xây dựng bởi Hiến pháp và sự ổn định xã hội; bảo đảm những yếu tố cơ bản cho việc duy trì sự phát triển kinh tế, xã hội ổn định".  

Không nước nào trên thế giới dung thứ cho hành động các nước bên ngoài xâm phạm chủ quyền, an ninh, sự toàn vẹn lãnh thổ, hệ thống hiến pháp và sự ổn định xã hội của nước đó, ông Qu cho biết đồng thời thêm rằng, không có những yếu tố trên, không có nước nào đạt được sự phát triển hoà bình.  

Ông Qu cũng bác bỏ phân tích của tác giả cuốn sách “Cuộc chiến sắp tới của Trung Quốc với Châu Á” về việc những cuộc tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng xung quanh là “mối nguy cơ có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh". Ông này cho rằng “không có bằng chứng lịch sử để nói chúng tôi không thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà sẽ phải nhờ đến chiến tranh”.  

Vị quan chức ngoại giao Trung Quốc còn cho rằng tình hình ở Châu Á đang hoà bình và ổn định hơn nhiều khu vực khác trên thế giới và rằng sự hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với các nước Châu Á khác hiệu quả hơn.

Đại sứ Qu tuyên bố, "mô hình mới của quan hệ giữa các nước lớn do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất vạch ra một tiến trình mà ở đó các cường quốc mới nổi và các cường quốc đã nổi có thể đạt được một mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Sáng kiến này của ông Tập Cận Bình đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ”.  

Trong cuộc tranh luận, ông Qu cho rằng việc cuốn sách được đặt tên là “Cuộc chiến sắp tới của Trung Quốc với Châu Á” chỉ là nhằm để “giật  gân”, “câu khách” và rằng nội dung cuốn sách không đúng sự thực. 

Bất chấp những lời bác bỏ mạnh mẽ trên của ông Qu, không thể phủ nhận một thực tế rõ ràng rằng Trung Quốc đang thực sự gây lo ngại cho các nước láng giềng Châu Á nói riêng và thế giới nói chung về những bước đi củng cố sức mạnh quân sự cũng như những động thái quyết liệt của nước này trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.  

Một điều gây chú ý đặc biệt trong vấn đề quân sự của Trung Quốc là chi tiêu quốc phòng của nước này tăng nhanh và tăng mạnh ở mức 2 con số gần như liên tục trong suốt hơn 2 thập kỷ qua. Hiện tại, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đang đứng thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Việc mạnh tay tăng chi tiêu quốc phòng liên tiếp đã giúp Bắc Kinh có khả năng thay đổi thế cân bằng quyền lực trong tương lai ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Giới quan sát bên ngoài tin rằng, số chi tiêu quốc phòng thực sự của Trung Quốc trên thực tế còn cao hơn rất nhiều so với những con số được công bố chính thức.  

Trung Quốc mạnh tay tăng chi tiêu quốc phòng và mạnh tay đầu tư vào các dự án vũ khí tối tân với quyết tâm xây dựng một quân đội hùng mạnh.  

Song song với việc đẩy mạnh tăng cường sức mạnh quân sự cả về lượng và chất, Trung Quốc trong những năm gần đây còn thực thi một chính sách cứng rắn và hung hăng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với một loạt các nước láng giềng ở Biển Đông và biển  Hoa Đông.  

Những bước đi của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ngày một leo thang theo tỉ lệ thuận với sức mạnh quân sự của nước này.  

Giới phân tích nhận định, hành động tăng chi tiêu quốc phòng liên tiếp và mạnh mẽ đã phát đi tín hiệu về sức mạnh và quyết tâm của Trung Quốc đối với các nước láng giềng.  

Việc Trung Quốc không tiếc tay chi tiêu cho quân sự để tăng cường sức mạnh cho quân đội nước này cùng với hàng loạt hành động quyết liệt, không nhượng bộ và hung hăng của cường quốc Châu Á trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải không khỏi khiến các nước láng giềng và cộng đồng thế giới lo ngại. Những cuộc đụng độ tàu thuyền trên vùng biển tranh chấp, những cuộc đối đầu trên không đang xảy ra ngày một thường xuyên hơn giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Không ít lần, người ta đã nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ nhất xảy ra – đó là sự bùng phát của một cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Theo: VnMedia