Trừng phạt Nga: EU ăn kiêng, Mỹ tiệc tùng

Liên minh Châu Âu (EU) chắc chắn sẽ không khỏi cảm thấy cay đắng, bẽ bàng khi những biện pháp trừng phạt mà họ cùng Mỹ áp đặt lên Nga đang khiến giới doanh nhân Châu Âu phải “dè xẻn, ăn kiêng” trong khi người Mỹ lại được “tiệc tùng”.
Trừng phạt Nga: EU ăn kiêng, Mỹ tiệc tùng

Châu Âu đang trong tình trạng báo động: trong khi giới doanh nhân Châu Âu tiếp tục mất tiền và thị phần vì các biện pháp trừng phạt mà Brussels áp đặt lên Nga dưới áp lực của nước cầm đầu là Mỹ thì Washington lại đang âm thầm, lặng lẽ tăng cường làm ăn với Nga.
 
Châu Âu giờ đây đã thấy rõ tình cảnh của mình. EU tiếp tục thấm “đòn đau” khi mất đi quyền lợi của chính mình vì chính sách trừng phạt nhằm vào Nga mà liên minh này buộc phải áp dụng vì sức ép mạnh mẽ từ Washington. Trong khi đó, Mỹ - nước dẫn dắt và ép buộc EU “ra đòn” với Nga thì đang khoan khoái hưởng lợi từ việc tăng cường hợp tác với Nga.
 
Giá trị giao dịch thương mại giữa Nga và EU đã sụt giảm gần 10% trong hai tháng đầu tiên của năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo con số thống kê được Nga công bố, giao dịch thương mại giữa Nga và Mỹ đã tăng khoảng 6% trong cùng thời gian này, tạp trí hàng tuần Der Spiegel của Đức cho biết.
 
Chỉ mới tuần trước, công ty Bell Helicopter của Mỹ đã ký một thỏa thuận với Nhà máy Hàng không dân sự Urals (UZGA) đóng tại Yekaterinburg của Nga về việc lắp ráp phiên bản mới nhất của trực thăng một động cơ hạng nhẹ Bell 407GXP.
 
Đây là lần đầu tiên công ty Bell trao việc lắp ráp trực thăng của mình cho một đối tác nước ngoài. Trong khi đó, UZGA là một phần của tập đoàn Rostec của Nga. Tập đoàn này cùng với giám đốc điều hành Sergey Chemezov nằm trong danh sách các công ty và doanh nhân bị Châu Âu trừng phạt.
 
Tạp chí của Đức cũng than phiền, công ty Boeing của Mỹ cũng không gặp bất kỳ sự khó khăn, bất tiện nào từ những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Boeing tiếp tục bắt tay liên doanh với Nga - Ural Boeing Manufacturing (UBM). Hồi tháng 4 vừa rồi, Đại sứ Mỹ tại Nga – ông John F. Tefft đã có chuyến thăm đến cơ sở liên danh giữa hai công ty Mỹ và Nga nói trên. Ông Tefft đã cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mối quan hệ hợp tác với VSMPO-Avisma – nhà sản xuất ti-tan toàn cầu lớn của Nga.
 
Trong khi đó, tập đoàn khổng lồ Siemens của Đức đã thất bại trong việc giành giật hợp đồng trị giá tỉ USD nhằm cung cấp các tàu hỏa hiện đại cũng như xây dựng một đường tàu cao tốc nối từ thủ đô Moscow đến thành phố Kazan. Dự án đầu tư 2 tỉ USD này đã rơi vào tay Trung Quốc.
 
"Người Mỹ đã gây áp lực rất lớn lên Liên minh Châu Âu để buộc liên minh này phải áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Trong khi đó, điều đáng nói ở đây là chính họ - người Mỹ đang mở rộng làm ăn với Nga từ hồi năm ngoái”, tạp chí Der Spiegel của Đức dẫn lời ông Frank Schauff – Giám đốc điều hành của Hiệp hội các doanh nhân Châu Âu ở thủ đô Moscow, tức giận cho biết.
 
Đây không phải là lần đầu tiên giới phân tích, chính khách và doanh nhân Châu Âu thể hiện sự bất mãn, bực tức trước sự "bất công" mà họ phải hứng chịu trong “cuộc chiến” chống lại Nga.
 
Từ cách đây vài tháng, người ta đã nói đến việc EU mâu thuẫn với Mỹ trong chính sách với Nga. Ngay từ đầu, đã có thông tin cho rằng EU không hề muốn áp dụng chính sách trừng phạt đối với Nga bởi bản thân EU hiểu rất rõ, trừng phạt Nga chính là làm tổn thương đến chính họ. Tuy nhiên, dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ, EU buộc phải ra tay với đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của họ. Đây là điều đã từng được một quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận.
 
Trong quá trình áp dụng chính sách trừng phạt Nga, mâu thuẫn giữa EU và Mỹ lại càng lớn hơn. Nhiều nước EU bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đòn trừng phạt nhằm vào Nga đã thể hiện sự phản đối đối với chính sách mà phương Tây và Mỹ đang áp dụng với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sự bất mãn của phương Tây càng tăng khi nhìn sang phía Mỹ, họ thấy rằng nước dẫn dắt họ đi trên con đường gây sức ép, trừng phạt Nga lại không bị hề hấn gì mấy nếu không nói là còn được hưởng lợi trong khi các nước EU lại chịu tổn thương sâu sắc, không kém gì Nga.
 
Nga vốn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả không khác gì những công ty của Nga.
 
Trước diễn biến như trên, trong suốt nhiều tháng qua, nhiều nước thành viên EU liên tục lên tiếng đòi từ bỏ chính sách trừng phạt đối với Nga. Không ít quan chức và các chính khách EU liên tiếp tung ra những lời chỉ trích, lên án và cả cảnh báo về những đòn trừng phạt Nga đang gây hậu quả “gây ông đập lưng ông” lên các nước thành viên Châu Âu.
 
Những tiếng nói phản đối các đòn trừng phạt nhằm vào Nga đang ngày càng mạnh lên. Trong tháng này, EU được cho là sẽ có cuộc họp bàn về chính sách trừng phạt Nga bởi chính sách này sắp hết hạn thi hành. Mỹ được cho là sẽ gây sức ép để buộc EU phải kéo dài lệnh trừng phạt. Không rõ EU sẽ quyết định như thế nào nhưng có một điều chắc chắn rằng liên minh phương Tây sẽ không tìm cách tung ra những đòn trừng phạt thêm nữa nhằm vào Nga.
 
Mối quan hệ giữa Nga với phương Tây đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu luôn đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng và vì thế, họ đã liên tiếp tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Theo: VnMedia