Trung - Ấn đối đầu biên giới: Tình hình ngày càng bất lợi cho Trung Quốc

VietTimes -- Ấn Độ đối phó cứng rắn với Trung Quốc là muốn phát đi tín hiệu cho các nước châu Á khác. Hơn nữa, quân đội Trung Quốc đang phải cải cách toàn diện, Bắc Kinh cũng đang tập trung chuẩn bị cho Đại hội XIX...
Đối đầu biên giới Trung - Ấn. Ảnh: Dwnews.
Đối đầu biên giới Trung - Ấn. Ảnh: Dwnews.

Trang tin tiếng Trung NTDTV có trụ sở ở Mỹ ngày 31/7 cho rằng đối đầu quân sự giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Doklam đã kéo dài hơn 1 tháng. Hai bên không nhượng bộ lẫn nhau, hơn nữa còn không ngừng tăng quân để thể hiện tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Đối với cuộc đối đầu quân sự này, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo sẽ tăng cường triển khai lực lượng quân sự, kiên trì yêu cầu Ấn Độ phải rút quân, nếu không Trung Quốc sẽ không tiến hành đàm phán với Ấn Độ.

Ngoài nhiều lần phản đối, quân đội Trung Quốc tại khu vực Tây Tạng cũng đã có những động thái mới. Lực lượng tuyến đầu của quân đội Trung Quốc đã bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, rất nhiều binh sĩ và vũ khí đã được tập kết ở biên giới.

Trong khi đó, quân đội Ấn Độ cũng đã tiến hành triển khai lực lượng tương ứng ở khu vực biên giới để sẵn sàng đối phó với các hành động có thể triển khai từ quân đội Trung Quốc.

Ngày 30/7, có báo Mỹ dẫn lời chuyên gia vấn đề Trung Quốc ở New Delhi, Ấn Độ cho rằng nếu đối đầu Trung - Ấn ở Doklam tiếp tục diễn ra thì Trung Quốc chắc chắn sẽ “gặp bất lợi”. Bởi vì, Trung Quốc luôn coi mình là cường quốc chủ yếu không thể thách thức. Đến nay, “Ấn Độ mạnh mẽ ứng phó Trung Quốc có nghĩa là phát đi tín hiệu cho các nước khác ở châu Á”.

Trung Quốc liên tục tăng quân tới khu vực biên giới Trung - Ấn. Ảnh: Dwnews.
Trung Quốc liên tục tăng quân tới khu vực biên giới Trung - Ấn. Ảnh: Dwnews.

Trước đó, báo chí Hồng Kông nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nhiều lần cảnh cáo, nhưng Ấn Độ vẫn không ngừng tăng quân. Ấn Độ sở dĩ cứng rắn như vậy là do 3 vấn đề dưới đây:

Một là Ấn Độ đã triển khai lực lượng miền núi tinh nhuệ với hơn 100.000 quân ở tuyến biên giới, hình thành ưu thế quân sự về số lượng ở khu vực cục bộ và trong ngắn hạn.

Hai là quân đội Trung Quốc đang ở trong thời điểm nhạy cảm là “cải cách toàn diện”, “tướng không biết quân, quân không biết tướng”, hệ thống chỉ huy và hậu cần còn chưa hoàn thiện.

Ba là nội bộ Trung Quốc và môi trường xung quanh đối mặt với một loạt vấn đề. Đặc biệt, Đại hội XIX của đảng cộng sản Trung Quốc đang đến gần, nhà lãnh đạo Bắc Kinh “đánh chuột sợ vỡ bình”, không dám mạnh tay hành động.

Tờ The Economic Times of India cho rằng Trung Quốc xây dựng đường sá ở khu vực Doklam đã xâm phạm quyền lợi của bang Sikkim, mục tiêu lớn hơn phía sau là có ý đồ chia cắt khu vực đông bắc Ấn Độ.

Đường sá do Trung Quốc xây dựng có thể đe dọa rất lớn đến hành lang Siliguri của Ấn Độ. Vị trí chiến lược của hàng lang này rất quan trọng, một khi bị cắt đứt thì lực lượng của Ấn Độ ở khu vực đông bắc sẽ bị chia cắt, bao vây. Vì vậy, bất kể Bắc Kinh cảnh cáo thế nào thì Ấn Độ cũng sẽ ứng phó một cách cứng rắn.

Một phân đội pháo binh thuộc Quân khu Tây Tạng, Quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận trên cao nguyên. Ảnh: 81.cn/UDN
Một phân đội pháo binh thuộc Quân khu Tây Tạng, quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận trên cao nguyên. Ảnh: 81.cn/UDN

Đối đầu biên giới Trung - Ấn bắt đầu vào trung tuần tháng 6/2017. Theo báo chí Ấn Độ, quân đội Trung Quốc đã vượt qua biên giới Trung - Ấn, tiến vào bang Sikkim ở khu vực đông bắc để xây dựng đường sá. Để ngăn chặn quân đội Trung Quốc, lực lượng biên phòng Ấn Độ đã kiên quyết ứng phó với phía Trung Quốc. Sau đó, hai bên không ngừng tăng quân ở khu vực biên giới, tình hình căng thẳng liên tục leo thang.

Hiện nay, Ấn Độ sở hữu khoảng 120 - 130 đầu đạn hạt nhân và đã phát triển được tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-5 có thể vươn tới toàn bộ Trung Quốc. Cùng với những diễn biến xấu đi của quan hệ Trung - Ấn, những vũ khí hạt nhân này của Ấn Độ cũng có tác dụng răn đe rất lớn.