Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đáp trả cuộc diễn tập chung Mỹ - Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 19/3, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bổ sung thêm vào loạt các vụ phóng tên lửa liên tiếp trong tháng 3, trong đó có 2 tên lửa liên lục địa, có thể mang đầu đạn hạt nhân tới lãnh thổ Mỹ.

Trang Yonhap News dẫn lời Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết, tên lửa được phóng vào khoảng 11:05 sáng giờ địa phương ngày 19/3 vào vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Toshiro Ino trong một cuộc họp báo truyền hình cho biết, tên lửa đạn đạo đã bay khoảng 800 km trước khi rơi xuống vùng nước bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Ông Ino nói thêm, tên lửa có thể đã bay theo một quỹ đạo bất thường, các chuyên gia đang tiến hành những phân tích chi tiết.

Ông Kim Gunn, đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về những vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với những đồng cấp Mỹ và Nhật Bản là ông Sung Kim và ông Takehiro Funakoshi để thảo luận về hành động mới nhất của Triều Tiên.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, 3 quan chức này lên án Triều Tiên, gọi hành động của quốc gia này là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định, vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập chung đường không trên bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của máy bay ném bom B-1B và các máy bay chiến đấu. Đây là một phần của cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn của quân đội hai quốc gia trong tháng 3, mang tên gọi là “Lá chắn Tự do”, kéo dài từ ngày 13/3 đến ngày 23/ 3, được tổ chức nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của hai quốc gia.

Kênh truyền hình trung ương Triều Tiên công bố video vụ phóng tên lửa liên lục địa ICBM Hwasong-17. Video NBC

Tuần trước, quân đội Triều Tiên đã phóng diễn tập tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM Hwasong-17 vài giờ trước khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Nhật Bản, tham dự hội nghị thượng đỉnh nhằm hàn gắn quan hệ hai nước và tăng cường hợp tác an ninh. Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố, vụ phóng "đánh vào nỗi khiếp sợ của kẻ thù" của Triều Tiên khi cuộc diễn tập quân sự chung đang ở giai đoạn cao trào.

Triều Tiên đã phóng 12 tên lửa đạn đạo các loại kể từ ngày 18/2, trong đó có 2 ICBM và 1 tên lửa đạn đạo tầm gần mới được thiết kế, có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa và tấn công các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc. Trong những cuộc thử nghiệm có vụ phóng 2 tên lửa hành trình từ một tàu ngầm, dường như là đây là lần phóng thử nghiệm đầu tiên.

Trường bắn Thái Bình Dương

Bộ trưởng Ino của Nhật Bản cho biết, những hành động của Triều Tiên “đe dọa an ninh của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế, và hoàn toàn không thể chấp nhận được”, trong khi Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ cho biết, những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không gây ra mối đe dọa cụ thể thực tế nào.

Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un cảnh báo, Bình Nhưỡng sẽ biến Thái Bình Dương thành "trường bắn" nếu Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập với Hàn Quốc. Cô cũng gợi ý rằng, Triều Tiên có thể bắt đầu thử nghiệm xem những thiết kế đầu đạn của tên lửa có thể chịu được sức nóng khi quay trở lại bầu khí quyển hay không, một ám chỉ cho biết Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm tên lửa liên lục địa.

Triều Tiên đã chứng minh tên lửa của quốc gia này có thể bay tới đất liền Mỹ nhưng các chuyên gia đặt câu hỏi, liệu các đầu đạn có thể nguyên vẹn để tiếp cận mục tiêu hay không.

Triều Tiên đã trưng bày những tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM lớn nhất trong cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng vào tháng Hai. Năm 2022, Triều Tiên phóng hơn 70 tên lửa đạn đạo, nhiều nhất trong thập kỷ lãnh đạo của chủ tịch Kim Jong Un khi quốc gia này tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí và tăng cường khả năng tấn công hạt nhân vào Mỹ và các đồng minh. Những cuộc diễn tập phóng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và các cuộc diễn tập quân sự Mỹ - Hàn đã làm gia tăng căng thẳng lên cao hơn với vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết tăng cấp số nhân kho vũ khí nguyên tử trong năm 2023 nhằm ngăn chặn những hành động thù địch của Mỹ và Hàn Quốc trong bài diễn văn định hướng chính sách đối nội và đối ngoại, được công bố ngày 1/1, trong đó ông gần như không để ngỏ khả năng quay trở lại các cuộc đàm phán giải trừ quân bị, bị đình trệ trong nhiều năm.

Mỹ và Hàn Quốc vào cuối tháng 1 cam kết tăng cường và mở rộng các cuộc diễn tập chung tại cuộc gặp cấp bộ trưởng quốc phòng ở Seoul. Những cuộc diễn tập đã bị thu hẹp hoặc tạm dừng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, từng hy vọng động thái này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc đàm phán hạt nhân của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Nhưng những cuộc đàm phán đó không tạo ra các bước cụ thể, cho phép giảm bớt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và ngày càng phát triển hơn khi các cuộc đàm phán giải trừ quân bị bị đình trệ. Trong những tháng gần đây, Nhật Bản đã tham gia một số cuộc diễn tập của Mỹ và Hàn Quốc, một động thái khiến Bình Nhưỡng tức giận và quyết liệt đáp trả bằng những vụ diễn tập và phóng thử nghiệm các vũ khí mới hơn.

Theo Reuters