Hai vật thể không xác định đã phóng đi vào lúc 16h59 (giờ địa phương) từ bờ biển phía Đông của Triều Tiên và bay về phía vùng biển nằm giữa nước này và Nhật Bản – quân đội Hàn Quốc cho hay, thêm rằng họ đang theo dõi sát sao tình hình để xem liệu Bình Nhưỡng có tiếp tục phóng thêm vật thể hay không.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong khi đó, nói rằng có ít nhất 1 tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã được phóng về phía vùng biển thuộc lãnh hải của họ.
Động thái trên, có khả năng là vụ thử tên lửa, xuất hiện trong thời điểm gần 2 năm sau khi Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng phóng tới lãnh thổ Mỹ. Bình Nhưỡng kể từ sau đó đã tạm ngừng các vụ thử này để tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại giao diễn ra.
Tuy nhiên, đến tháng 5 năm nay, Triều Tiên bất ngờ nối lại các vụ thử tên lửa, và tính đến thời điểm này đã phóng thử hàng chục tên lửa – phần lớn trong số này là tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Khoảng thời gian mà Bình Nhưỡng ngừng thử nghiệm tên lửa đã tạo điều kiện cho hoạt động ngoại giao chưa từng có tiền lệ với phía Mỹ, dọn đường cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tổ chức tại Singapore hồi năm ngoái, lần hai tại Việt Nam và một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước tại khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Kim Jong-un và ông Trump vẫn chưa đưa ra nhiều đề xuất trong các vòng đàm phán của họ, trong khi Mỹ và Hàn Quốc không thể đạt sự đồng thuận trong các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa.
Kể từ khi các vòng đàm phán bắt đầu, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa mới và tăng cường sản xuất vật liệu hạt nhân. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc, giới chuyên gia quân sự hết sức quan ngại.
Loạt vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn trong những tháng gần đây mà Triều Tiên thực hiện thực tế đã giúp cải thiện khả năng chế tạo các tên lửa đạn đạo vận hành bằng nhiên liệu rắn của nước này.
Theo Bloomberg