Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, ông Ri đã trả lời các phóng viên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 21/9 rằng “Nó có thể là vụ nổ bom H (bom nhiệt hạch) mạnh nhất ở Thái Bình Dương”. Song ông cho biết hiện vẫn chưa rõ những hành động có thể được thực hiện vì phải đợi lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Tuyên bố của ông Ri chính là đòn đáp trả mạnh mẽ của Triều Tiên trước lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nước này.
Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19/9, ông Trump đã có một bài phát biểu khiến nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối khi gọi nhà lãnh đạo Kim Jong Un là “người tên lửa" và nói có thể "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu Mỹ buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ cho đồng minh của mình. Lời lẽ đe dọa của ông Trump đã khiến nhà lãnh đạo Kim Jong Un có tuyên bố đáp trả cứng rắn và cảnh báo ông Trump sẽ phải trả giá đắt cho phát ngôn của mình.
Triều Tiên đã thực hiện một số vụ thử hạt nhân trong những năm gần đây, nhưng tất cả đều xảy ra sâu trong núi. Trong mấy thập kỷ qua cũng chưa xảy ra một vụ nổ hạt nhân trong không khí, trên mặt đất, dưới nước hoặc trong không gian nào.
Vậy nếu Triều Tiên cho nổ bom hạt nhân trên mặt đất, và có thể là một vụ nổ lớn nhất từ trước tới nay ở Thái Bình Dương thì điều gì sẽ xảy ra? Hãy để lịch sử Chiến tranh Lạnh đưa ra câu trả lời cho chúng ta.
Tại sao các vụ thử hạt nhân trong không khí lại nguy hiểm?
Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước khác đã tiến hành hơn 2.000 vụ thử hạt nhân từ năm 1945. Trong đó có hơn 500 vụ nổ xảy ra trên mặt đất, trong không gian, hoặc dưới nước. Nhưng phần lớn những vụ nổ này đã diễn ra trong Chiến tranh Lạnh, thời kỳ các nước còn chưa nhận thức rõ những nguy hiểm mà các vụ thử hạt nhân gây ra cho người dân và môi trường. Đến nay, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều đã cấm thử hạt nhân.
Mối nguy hiểm lớn nhất của các vụ nổ hạt nhân đến từ lượng bụi phóng xạ sinh ra từ vụ nổ. Chỉ một phần lõi của vũ khí hạt nhân biến thành năng lượng trong vụ nổ; phần còn lại phân rã và trở thành những hạt nhỏ. Điều này tạo ra một lượng bụi phóng xạ bay vào tầng khí quyển và lan ra xung quanh.
Tuy nhiên, tác hại của bụi phóng xạ sẽ lớn hơn rất nhiều nếu vụ nổ xảy ra gần bề mặt trái đất. Tại đó, vụ nổ hạt nhân có thể hút bụi bẩn, mảnh vỡ, nước, và các vật liệu khác, tạo ra hàng tấn bụi phóng xạ, bay lên cao đi vào tầng khí quyển, sau đó lan xa hàng trăm dặm. Lượng bụi phóng xạ trong thời Chiến tranh Lạnh đã gây ra cái chết của nhiều người dân vô tội ở Thái Bình Dương, và hiện vẫn là nguyên nhân gây ung thư và nhiều vấn đề về sức khỏe trên toàn thế giới.
Ông Ri Yong Ho không nói rõ địa điểm và độ lớn của vụ thử bom H mà Triều Tiên có thể tiến hành ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông cho biết đây có thể là một vụ nổ bom nhiệt hạch mạnh nhất từ trước đến nay ở Thái Bình Dương. Nếu những lời của ông Ri trở thành hiện thực thì một vụ nổ như vậy sẽ vượt qua cả vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Mỹ năm 1954.
Ngày 1/3/1954, quân đội Mỹ đã kích nổ một quả bom nhiệt hạch có tên "Shrimp" (Con tôm) tại đảo san hô vòng Bikini thuộc quần đảo Marshall (khoảng 2.300 dặm về phía Đông Nam Nhật Bản và 2.700 dặm về phía Tây Nam Hawaii). Đây là một phần trong chuỗi thử nghiệm Castle Bravo của quân đội Mỹ. Vụ nổ này có sức công phá tương đương 15 triệu tấn thuốc nổ TNT, và mạnh gấp 1.000 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima.
Trong khi quân đội Mỹ coi “Shrimp” và Bravo là một thành công, thì hậu quả của vụ nổ bom nhiệt hạch là cực kỳ thảm khốc. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá sức công phá của thiết bị nhỏ đi gần ba lần, và sai lầm này khiến nhiều người suýt chết khi một trận động đất nhân tạo đã rung lắc lô cốt quan sát của họ ở cách đó 20 dặm.
Quả cầu lửa rộng hơn 6,4 km do “Shrimp” tạo ra đã phá hủy khoảng 200 tỷ tấn san hô ngầm của đảo Bikini, và làm lan truyền bụi phóng xạ ra khắp thế giới. Hậu quả tồi tệ nhất của vụ nổ là có rất nhiều người chết do nhiễm phóng xạ ở phía Đông đảo. Ngày nay, từ không gian còn nhìn thấy một hố bom sâu 76,2 mét, rộng 1,6 km do vụ nổ sinh ra.
Nếu Triều Tiên quyết định cho nổ một quả nhiệt hạch mạnh nhất trong lịch sử ở Thái Bình Dương, chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng vụ nổ sẽ không xảy ra gần mặt đất.
Gắn đầu đạn nhiệt hạch lên tên lửa?
Hiểm họa nhân loại phải đối mặt sẽ phụ thuộc lớn vào việc liệu Triều Tiên có gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc một tên lửa tầm ngắn có thể phóng từ tàu ngầm hay không.
Một vụ thử tên lửa nếu thành công sẽ cho thấy Triều Tiên đã có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa. Và nếu vụ nổ do một quả bom H gây ra, thì Triều Tiên hoàn toàn có thể thực hiện một cuộc tấn công nhiệt hạch có sức tàn phá khủng khiếp vào Mỹ.
Tuy nhiên, các tên lửa dễ bị mắc nhiều khiếm khuyết, đặc biệt là trong giai đoạn đầu phát triển. Một ICBM gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể bay chệch quỹ đạo, hoặc nổ trên đường bay. Điều này có thể dẫn đến một vụ nổ ở địa điểm và độ cao không mong muốn và gây ra những hậu quả không thể lường trước.
Điều này đặc biệt đúng nếu tên lửa không có khả năng tự hủy. Trong trường hợp đó, để ngăn chặn một vụ nổ cần hack phần mềm của tên lửa ở trên không hoặc tiêu diệt tên lửa bằng vũ khí khác.
Ngày 22/9 vừa qua, Tristan Webb, chuyên gia phân tích cấp cao của hãng tin NK News đã nhận định xung đột giữa Mỹ - Triều Tiên chưa từng bị đẩy lên cao như bây giờ kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Theo ông, thật khó tưởng tượng tình hình có thể leo thang như thế nào nếu Mỹ và Triều Tiên không nối lại đàm phán. Nếu Triều Tiên thực sự cho nổ bom nhiệt hạch, đó sẽ là mở màn cho chiến tranh hạt nhân trên toàn cầu và gây ra thảm họa diệt vong đối với con người và môi trường.