Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang hy vọng khởi động lại các vòng đàm phán với Triều Tiên, đã lên tiếng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của các vụ phóng mới đây. Triều Tiên đã thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa trong thời gian qua, bất chấp việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có cuộc gặp trực diện với ông Trump trong hôm 30/6 mà trong đó hai bên nhất trí khởi động lại đàm phán giải giáp hạt nhân.
Chính phủ Hàn Quốc cho hay, các vật thể mà Triều Tiên vừa phóng dường như tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Các tên lửa này bay được khoảng 220 km và đạt độ cao tối đa 25km.
Một quan chức Mỹ cho hay, lực lượng tình báo nước này phát hiện ra ít nhất 1 vật thể, và có khả năng là nhiều hơn, nhưng chúng không gây đe dọa cho khu vực Bắc Mỹ. Một quan chức cho hay, thông tin ban đầu cho thấy tên lửa mới giống với 2 tên lửa tầm ngắn khác mà Bình Nhưỡng thử nghiệm hồi tuần trước.
Hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên (KCNA) thì nói rằng, ông Kim đã tới thị sát vụ thử nghiệm một hệ thống phóng tên lửa dẫn đường cỡ nòng lớn, đa ống phóng trong hôm thứ Tư. Ông cũng quan sát vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn hồi tuần trước.
Các vụ phóng mà Triều Tiên thực hiện thời gian qua dường như là nhằm gây sức ép với Hàn Quốc và Mỹ để các nước này ngừng kế hoạch tập trận chung vào cuối tháng này, đồng thời khiến Mỹ đưa ra thêm nhượng bộ.
Chính quyền của ông Kim Jong-un không chỉ đánh tín hiệu về các yếu sách của mình bằng các vụ thử nghiệm này, mà còn đang muốn tăng cường sức mạnh quân sự - Leif-Eric Easley, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Ewha, Hàn Quốc, nhận định.
"Mục đích của họ không chỉ là tăng cường khả năng đe dọa các nước láng giềng, mà còn nhằm bình thường hóa các vụ thử nghiệm vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên, coi chúng là hợp pháp" - ông Easley nói.
Trước khi thực hiện một chiến dịch tranh cử ở bang Ohio, ông Trump nhận được câu hỏi từ báo giới rằng, liệu có phải ông Kim đang thử thách ông hay không. Ông Trump trả lời rằng các vụ phóng vừa qua không vi phạm các cam kết mà ông Kim đã đưa ra với ông. Ông nói rằng các tên lửa được thử nghiệm đều là tầm ngắn. "Chúng tôi chưa từng thỏa thuận về điều đó. Bởi vậy tôi không có vấn đề gì" - ông Trump nói.
Dù ông Trump nói ông chưa từng đạt thỏa thuận với ông Kim về các tên lửa tầm ngắn, nhưng Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên trong năm 2006 đã yêu cầu Triều Tiên ngừng mọi hoạt động liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của họ và "thiết lập lại các cam kết đối với một biên bản ghi nhớ về phóng tên lửa".
Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức một cuộc họp kín tại New York trong hôm 1/8 vừa qua để thảo luận về các vụ phóng mới đây của Triều Tiên. Đại diện đến từ Anh, Pháp và Đức đồng loạt kêu họi Triều Tiên tham gia các vòng đối thoại có ý nghĩa với Mỹ, nói rằng các lệnh trừng phạt quốc tế cần phải được thực thi đầy đủ cho đến khi Bình Nhưỡng giải giáp hạt nhân và hủy các chương trình tên lửa đạn đạo.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 2/8 nói rằng, vụ phóng mới nhất của Triều Tiên không ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh của họ. Theo tuyên bố mà Bộ này đưa ra, không có tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên rơi vào lãnh thổ hay vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Theo Reuters
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu