“Không do dự sử dụng vũ lực…”
Theo KCNA ngày 18/10, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thị sát Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân số 2 của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, ông nói rằng “Quân đội Nhân dân cần một lần nữa ghi nhớ thực tế rằng Hàn Quốc là một quốc gia khác và rõ ràng là một quốc gia thù địch”. Ông nói thêm rằng “nếu chủ quyền của Triều Tiên bị Hàn Quốc xâm phạm, sẽ không do dự sử dụng vũ lực mà không có bất kỳ sự ràng buộc nào”.
Ông Kim Jong-un cho rằng việc Triều Tiên cắt đứt các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối với Hàn Quốc mới đây không chỉ có nghĩa là đóng cửa về mặt vật lý mà còn có nghĩa là cắt đứt "mối quan hệ xấu xa" với Seoul và loại bỏ hoàn toàn ý thức về sự đồng tộc và thống nhất. Ông nhấn mạnh, “dùng sức mạnh kiềm chế kẻ thù, mới có thể đạt được nền hòa bình một cách đáng tin cậy, an ninh và vững chắc, Quân đội nhân dân cần phải trở nên hùng mạnh hơn”.
Trước đó, ngày 17/10, KCNA xác nhận Hội nghị Chính trị tối cao (Quốc hội) Triều Tiên đã sửa đổi hiến pháp để đưa Hàn Quốc vào danh sách quốc gia thù địch và phá hủy con đường bộ nối hai miền Triều Tiên; nhấn mạnh Triều Tiên sẽ tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp để củng cố phong tỏa vĩnh viễn đường biên giới với miền Nam.
Khó xảy ra chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên
Cục diện căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ngày càng gia tăng, thế giới bên ngoài lo ngại về khả năng hai miền Triều Tiên sẽ lại xảy ra chiến tranh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Kim Dong-yeop, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc, cho rằng điều này hiện nay sẽ chưa xảy ra và nghi ngờ về khả năng Triều Tiên phát động một cuộc chiến tranh toàn diện. Ông cho rằng Triều Tiên nhận thức rất rõ hậu quả nghiêm trọng của một cuộc xung đột quy mô lớn.
Ông Nam Sung-wook, giáo sư nghiên cứu giảng dạy về Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, cho rằng những cáo buộc gần đây của Triều Tiên chống lại Hàn Quốc như cho máy bay không người lái xâm nhập có lẽ chỉ là một cuộc chiến ngôn từ, bởi vì cả hai phía Triều Tiên và Hàn Quốc đều biết rằng họ không thể gánh chịu cái giá phải trả cho một cuộc chiến tranh toàn diện, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trên thực tế cũng rất thấp.
Ông Kang Dong-wan, giáo sư chính trị và ngoại giao tại Đại học Dong-A ở Busan, cũng không tin tình hình giữa hai miền Triều Tiên sẽ leo thang đến mức nổ ra chiến tranh trong thời gian tới, đồng thời cho rằng Triều Tiên sẽ chỉ lợi dụng đối đầu quân sự để tăng cường sự đoàn kết nội bộ.
Đài truyền hình châu Âu (EZTV hay Europa China TV) đưa tin Triều Tiên có quân đội lớn thứ 4 thế giới với gần 1,3 triệu binh sĩ tại ngũ, chiếm khoảng 5% tổng dân số và được cho là có thêm 600.000 quân dự bị.
Triều Tiên luôn ưu tiên hàng đầu cho chi tiêu quốc phòng, hồi tháng 1/2024 cho biết 15,9% tổng ngân sách chính phủ năm nay sẽ được chi cho quốc phòng. Ngoài ra, số liệu ước tính cho thấy chi tiêu quân sự của Triều Tiên năm 2023 chiếm khoảng 36,3% GDP, đứng thứ hai thế giới.
Ngoài ra, Triều Tiên còn tự hào về uy lực vũ khí hạt nhân của mình. Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhậm chức năm 2011, ông đã liên tục đẩy nhanh chương trình hạt nhân. Trong 13 năm qua, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân vào các năm 2013, 2016 và 2017. Ngoài ra, Triều Tiên cũng thực hiện ít nhất 160 vụ thử tên lửa, vượt qua các thời kỳ trước đây.
Triều Tiên sửa hiến pháp, coi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch” và đóng cửa biên giới vĩnh viễn
Ông Trump yêu cầu Hàn Quốc trả 10 tỷ USD để được Mỹ bảo vệ trước Triều Tiên
Triều Tiên tuyên bố 1,4 triệu thanh niên sẵn sàng chiến đấu sau hành động khiêu khích của Hàn Quốc
Theo Đông Phương, UDN