Theo Yonhap, ngày 22.3, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung đã tổ chức họp báo, cho biết: vào lúc 9h15 phút sáng cùng ngày, Bình Nhưỡng đã đơn phương triệt thoái các nhân viên Triều Tiên khỏi Văn phòng liên lạc chung giữa hai nước ở thành phố Kaesong.
Đại biểu liên lạc của Triều Tiên thông báo quyết định này được đưa ra “theo lệnh của cấp trên”. Triều Tiên nói, họ không quan tâm tới việc các nhân viên Hàn Quốc có ở lại văn phòng đặt trên lãnh thổ Triều Tiên này hay không? Toàn bộ 15 nhân viên Triều Tiên đã chỉ mang theo tài liệu rời khỏi văn phòng, các trang thiết bị vẫn để lại phòng làm việc. Ông Chun Hae-sung bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định này của Bình Nhưỡng, mong các nhân viên Triều Tiên sớm quay trở lại và cho biết đã thông báo cho phía Triều Tiên lập trường này.
“Chúng tôi lấy làm tiếc vì quyết định của Triều Tiên. Mặc dù họ đã rút khỏi văn phòng liên lạc, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục làm việc tại đây như bình thường”, ông Chun Hae-sung tuyên bố.
Lễ khai trương Văn phòng Liên lạc Kaesong hồi tháng 9.2018
|
Chiều 22.3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập khẩn cấp Hội nghị Ủy ban thường vụ Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Xanh để thảo luận việc ứng phó với động thái của Triều Tiên. Ông Chung Eui-yong, người phụ trách Hội đồng An ninh Quốc gia đã phân tích bối cảnh việc Triều Tiên triệt thoái nhân viên khỏi văn phòng liên lạc và ảnh hưởng của việc này tới hai nước Hàn, Triều và quan hệ Hàn - Triều. Ông Chun Hae-sung phát biểu, thông báo các nhân viên Hàn Quốc sẽ tiếp tục đến làm việc bình thường tại văn phòng, tuần này vẫn có 25 nhân viên tới văn phòng làm việc và các phương thức liên lạc như đường dây nóng quân sự Hàn -Triều vẫn vận hành bình thường.
Văn phòng này được mở hồi tháng 9.2018 ở bên trong Khu công nghiệp Kaesung trên đất Triều Tiên khi quan hệ liên Triều trở nên ấm áp sau Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un với nội dung thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng giữa hai nước. Việc nó trở nên tê liệt dự báo sẽ giáng đòn mạnh vào quan hệ hai nước Hàn - Triều. Ông Chun Hae-sung nói, việc Triều Tiên triệt thoái nhân viên sẽ gây thêm khó khăn cho các hoạt động trao đổi như triển khai kênh điện thoại có hình (video call) giữa các gia đình ly tán ở hai miền. Ông cho biết, trước động thái bất ngờ này của Bình Nhưỡng, chính phủ Hàn Quốc sẽ quan sát sự phát triển của tình hình để ứng phó.
Theo thỏa thuận giữa hai bên khi thiết lập, Văn phòng liên lạc Kaesong mỗi tuần họp 1 lần với sự tham dự của các nhân viên 2 bên; nhưng từ ngày 22.2.2019 đến nay hội nghị này đã không họp được. Người phụ trách phía Triều Tiên thường trú tại văn phòng từ giữa tháng 3 đã vắng mặt khiến giới quan sát cảm thấy có gì đó bất thường.
Quan hệ ấm áp giữa hai miền Triều Tiên kể từ sau cuộc gặp gỡ Bàn Môn Điếm có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng
|
Ngoài ra, theo Yonhap, tờ “Echo” chuyên về tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên hôm 22.3 đã đăng bài cho rằng, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trong kế hoạch công tác năm 2019 đã đề ra “đóng vai trò trọng tài, người thúc đẩy cuộc đàm phán Mỹ - Triều”, nhưng phía Hàn Quốc ngoài miệng thì nói thiết thực thực thi Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm Hàn - Triều, trên thực tế lại “nhìn sắc mặt Mỹ để hành động”, không có bất cứ biện pháp thực chất nào để cải thiện quan hệ Hàn - Triều. Bài báo nhắc nhở Hàn Quốc là bên đương sự cần phải dám nói dám làm đối với phía Mỹ.
Yonhap nhận định, đáng chú ý là truyền thông Triều Tiên chỉ phê phán Hàn Quốc chứ không hề nhắc đến Mỹ, được hiểu là họ kêu gọi Hàn Quốc hãy phát huy tác dụng tích cực trong việc khởi động lại cuộc đối thoại Mỹ - Triều.
Theo trang tin Đa Chiều ngày 23.2, tờ Uriminzokkiri (Dân tộc chúng ta) của Triều Tiên cũng đăng bài bình luận phê phán Bộ Thống nhất Hàn Quốc trong kế hoạch công tác năm 2019 đã đề xuất “tích cực can dự vào quan hệ Mỹ - Triều và thúc đẩy hợp tác, giao lưu Hàn - Triều trong khuôn khổ thực hiện lệnh trừng phạt”; gọi đó là thái độ do dự thiếu quyết đoán, không hề thấy có chút thành ý và ý chí thực hiện Tuyên bố chung Hàn - Triều nào.
Hồi cuối tháng 2.2019, cuộc gặp gỡ Donald Trump - Kim Jong-un lần thứ 2 tại Hà Nội đã kết thúc mà không đạt kết quả nào; Triều Tiên yêu cầu Mỹ giảm bớt lệnh trừng phạt, còn Mỹ thì yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, yêu cầu của hai bên xung đột với nhau khiến cuộc gặp gỡ bị tan vỡ. Ngày 21.3, Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) đã công bố danh sách 2 công ty vận tải Trung Quốc bị cáo buộc giúp đỡ Bình Nhưỡng mua sắm hàng hóa, vật tư lách các biện pháp hạn chế của Mỹ và Liên Hiệp Quốc; cùng ngày ông Donald Trump đã ký lệnh trừng phạt 2 công ty này.
Quan hệ Mỹ - Triều đã trở nên xấu đi sau cuộc gặp gỡ Donald Trump - Kim Jong-un lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào
|
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói trong một thông cáo rằng Bộ do ông phụ trách “sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt và cho thấy rõ ràng rằng các công ty vận tải biển sử dụng các chiến thuật lừa đảo để che giấu hoạt động thương mại trái phép với Bắc Triều Tiên sẽ tự hứng lấy nguy cơ lớn”.
Động thái mới của Mỹ áp đặt lên các công ty Trung Quốc cho thấy sức ép mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên diễn ra chưa đầy một tháng sau Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc mà không ký được bất cứ thỏa thuận nào.
Giới quan sát cho rằng việc Triều Tiên bất ngờ rút các nhân viên khỏi Văn phòng Liên lạc Hàn - Triều tại Kaesong có thể liên quan đến hành động của Mỹ trừng phạt 2 công ty này.