Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều: “Việt Nam đã trụ vững trong cơn bão COVID-19 đang quét khắp toàn cầu!”

VietTimes -- Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều có lượng bạn đọc đông đảo trên khắp thế giới ngày 27/2 đã đăng bài của tác giả Mao Nhạc Lâm nhan đề “Mười bốn ngày không có thêm người mắc bệnh, Việt Nam vì sao có thể khống chế được dịch bệnh COVID-19”, phân tích, đánh giá về thành quả tốt đẹp trong công tác phòng chống dịch bệnh của chúng ta. Dưới đây là toàn văn bài báo cùng một số bức ảnh đăng kèm bài...
Chốt chặn lối ra vào Khu cách ly xã Sơn Lôi rất hiệu quả ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (Ảnh: AP).
Chốt chặn lối ra vào Khu cách ly xã Sơn Lôi rất hiệu quả ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (Ảnh: AP).

Trong khi giới quan sát toàn cầu vẫn đang tập trung nói về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy và những nơi khác, thì Việt Nam, nơi dịch bùng phát vào đầu tháng 1, lại tương đối “sóng yên biển lặng”. Tính đến ngày 27/2, tất cả 16 bệnh nhân bị COVID-19 ở Việt Nam đều đã được xuất viện và cả nước này không xuất hiện bệnh nhân mới nào trong 14 ngày liên tiếp.

Tại Hội nghị Mạng lưới Hệ thống Y tế Việt Nam tổ chức cùng ngày 27/2, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tuyên bố, cho đến nay đất nước này “đã khống chế được dịch bệnh COVID-19”. Tất cả điều này chắc chắn là một cục diện tốt đẹp cho Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa kỷ niệm 90 năm thành lập vào ngày 3/2. Câu hỏi đặt ra là, Hà Nội đã làm thế nào để có thể tạm thời một mình trụ vững trong cơn bão COVID-19 đang quét khắp toàn cầu?

Sử dụng doanh trại quân đội làm nơi cách ly người Việt Nam trở về từ Trung Quốc ở tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Reuters).
Sử dụng doanh trại quân đội làm nơi cách ly người Việt Nam trở về từ Trung Quốc ở tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Reuters).

Gặp chuyện rắc rối trước hết cách ly

Phải thừa nhận rằng phản ứng của Việt Nam đối với dịch bệnh COVID-19 có các nhân tố chủ quan và khách quan, nhưng sự năng động chủ quan của họ là nổi bật nhất.

Trước hết, điều then chốt để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam là quyết đoán thực hiện biện pháp cách ly các nhóm nghi ngờ có nguy cơ cao ngay khi vừa xuất hiện. Đây là một biện pháp không thể khác nhưng có hiệu quả đối với nơi trình độ điều trị y tế còn tương đối thấp như Việt Nam.

Dữ liệu cho thấy Việt Nam không chỉ từ cuối tháng 1 đã bắt buộc các tài xế xe tải qua lại biên giới Việt - Trung phải chấp nhận 14 ngày cách ly theo dõi. Đến ngày 1/2, Việt Nam đã vào bước vào trạng thái phòng chống dịch bệnh, đình chỉ các chuyến bay, các đoàn tàu chở khách qua lại Trung Quốc đại lục. Đồng thời, Việt Nam cũng sử dụng các cơ sở doanh trại quân đội ở tỉnh Lạng Sơn ở biên giới Việt - Trung để tập trung cách ly hàng trăm cư dân biên giới Việt Nam trở về từ Trung Quốc.

Các tài xế xe tải qua lại biên giới được trang bị phương tiện phòng hộ (Ảnh: Reuters).
Các tài xế xe tải qua lại biên giới được trang bị phương tiện phòng hộ (Ảnh: Reuters).

Đến ngày 12/2, phía Việt Nam lại áp dụng biện pháp cách ly toàn vùng đối với xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị hành chính địa phương cấp ba –nơi trở thành vùng dịch đầu tiên lớn nhất đất nước đã xảy ra lây nhiễm cộng đồng với 11 bệnh nhân được chẩn đoán. Khu vực này với dân số 10.600 người trong một thời gian đã trở thành khu vực cách ly có quy mô lớn nhất ở châu Á, bên ngoài Trung Quốc.

Tới ngày 23/2, phía Việt Nam đã dứt khoát dừng các tuyến vận chuyển hành khách dựa trên tình hình dịch bệnh mới nhất ở Hàn Quốc, yêu cầu du khách Hàn Quốc đến Việt Nam phải khai báo tình trạng sức khỏe và chấp nhận các biện pháp kiểm dịch.

Năng lực của tổ chức cơ sở

Điều tiếp theo, sức sống của các tổ chức cơ sở của Việt Nam cũng đã đảm bảo cho sự hiệu quả của các biện pháp cách ly. Chẳng hạn, trong hoạt động của khu cách ly xã Sơn Lôi, tuy Việt Nam đã điều động lực lượng đặc nhiệm của Bộ Y tế và hàng trăm nhân viên quân đội và cảnh sát để phụ trách hơn một chục trạm kiểm soát, nhưng nhiều hoạt động vẫn hoàn thành nhờ các tổ chức cơ sở địa phương.

Các nhân viên công tác ở cơ sở phân phát khẩu trang và nước khử trùng miễn phí hàng ngày (Ảnh: AP)
Các nhân viên công tác ở cơ sở phân phát khẩu trang và nước khử trùng miễn phí hàng ngày (Ảnh: AP)

Được biết, trong hơn 20 ngày thực hiện cách ly xã Sơn Lôi, mặc dù đội quân phong tỏa do Bộ Y tế Việt Nam tổ chức và điều động đã áp dụng hiệu quả việc tuần tra, khử trùng, đo nhiệt độ cơ thể; phân phát các vật tư y tế chống dịch như khẩu trang, nước khử trùng cho người dân; vận chuyển các vật tư sinh hoạt cần thiết; kịp thời các ly những người bị sốt.... nhưng các công việc kiểm tra rà soát thông tin nhân sự và các nhiệm vụ khác vẫn do các nhân viên ở cơ sở thực hiện.

Qua xem xét thấy Việt Nam mãi đến năm 2020 mới dần dần yêu cầu tất cả mọi người chuyển đổi sang loại chứng minh nhân dân mới, tiến trình điện tử hóa hộ tịch dân số ở nước này cũng đang cần được hoàn thiện, khiến nhân viên cách ly phân phát tài liệu theo danh sách của cư dân trong thời gian đầu không thể nắm biết được thông tin dịch chuyển của cư dân. Điều này dẫn đến việc một báo cáo lên cấp trên của họ vào ngày 15/2 nói rằng “có 315 người không còn ở khu cách ly”, gây hoang mang cho người dân.

Về điều này, các nhân viên sở tại địa phương đã nhanh chóng thực hiện một chiến dịch rà soát trong vòng 24 giờ. Cuối cùng, vào khoảng ngày 17/2, đã xác nhận rằng hầu hết các nhân viên có liên quan không ở trong khu vực cách ly đã đi phục vụ, làm thuê và đi học ở nơi khác trong thời gian dài. v.v. Do đó, tình trạng “không nằm trong khu vực cách ly” không ảnh hưởng đến an ninh phòng chống dịch bệnh. Sự phát triển của tình hình sau đó cũng đã chứng minh rằng kết quả điều tra rà soát của các nhân viên địa phương là không sai và đã đảm bảo rằng hành động cách ly là tương đối hiệu quả.

Các nhân viên cơ sở đảm nhiệm việc cung cấp nhu yếu phẩm sinh hoạt do người dân trong khu vực cách ly (Ảnh: AFP).
Các nhân viên cơ sở đảm nhiệm việc cung cấp nhu yếu phẩm sinh hoạt do người dân trong khu vực cách ly (Ảnh: AFP).

Thiên thời địa lợi giúp ngăn ngừa dịch bệnh

Dĩ nhiên, việc Việt Nam tạm thời khống chế được dịch bệnh lần này cũng có sự giúp sức của nhân tố khách quan.

Trước hết, sự kiểm soát của quân đội Việt Nam ở khu vực biên giới vẫn không thể đảm bảo an ninh phòng dịch. Trong khu vực cách ly dưới sự quản lý của quân đội Việt Nam tại Lạng Sơn, đã có sự cố người bị cách ly trốn khỏi doanh trại quân đội vượt biên quay lại Trung Quốc. Điều này có nghĩa là vẫn còn một số lỗ hổng trong các biện pháp cách ly của Việt Nam. May mắn thay, các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam giáp biên giới Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh ở khu vực biên giới. Điều này giúp phía Việt Nam thoát khỏi sóng gió dịch bệnh do sự trao đổi giữa cư dân biên giới.

Thứ hai, sự bất tiện của giao thông nội địa ở Việt Nam về khách quan đã giúp tránh được sự lây lan của dịch bệnh. Ngay cả trong khu vực cách ly 10.000 dân xã Sơn Lôi mà Việt Nam tự hào, cũng thỉnh thoảng xảy ra chuyện có người chạy trốn khỏi khu vực cách ly. Tuy nhiên, chỉ cần nhân viên phòng chống dịch bệnh thiết lập các chốt dọc theo quốc lộ là họ có thể theo dõi, ngăn cản và khuyên bảo những người liên quan trở lại.

Nhân viên phòng dịch phun thuốc khử trùng trong khu vực cách ly xã Sơn Lôi (Ảnh: Đa Chiều).
Nhân viên phòng dịch phun thuốc khử trùng trong khu vực cách ly xã Sơn Lôi (Ảnh: Đa Chiều).

Thêm nữa, mặc dù phía Việt Nam thời kỳ đầu tiên tránh đón du khách Trung Quốc và đề nghị tiến hành cách ly theo dõi y tế đối với những người Trung Quốc ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau đại dịch xảy ra ở Hàn Quốc, phía Việt Nam cuối cùng đã không thể áp dụng ngay ở thời gian đầu. Trước khi Hà Nội tuyên bố tạm dừng các chuyến bay vào lúc 3 giờ chiều ngày 23/2, một số du khách Hàn Quốc vẫn vào Việt Nam mà không qua kiểm tra. Ngoài ra, các khu vực khác của Việt Nam vẫn chào đón khách du lịch châu Âu. Khi mà dịch bệnh bắt đầu lan rộng ở Italy và các nước khác, một cuộc thử thách mới có thể lại vừa bắt đầu đối với Việt Nam.