Vì sao tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Iran cao nhất thế giới?

VietTimes -- Dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu và số ca được xác nhận ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran, v.v ... đang tăng lên nhanh chóng. Là một dịch bệnh mang tính toàn cầu, COVID-19 không chỉ thách thức chính phủ Trung Quốc, mà cả các quốc gia khác. Đối mặt với dịch bệnh, các quốc gia đã thể hiện như thế nào? Làm thế nào để vượt qua những thử thách gay go tiếp theo? Hãy thử đi sâu tìm hiểu...
Iran hiện đã trở thành quốc gia bị dịch bệnh COVID-19 có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới (Ảnh: AFP)
Iran hiện đã trở thành quốc gia bị dịch bệnh COVID-19 có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới (Ảnh: AFP)

Có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, sai sót và tình cảnh khó khăn của Iran

Đánh giá tình hình lây lan của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn phải rất cẩn trọng, quốc gia đáng lo ngại nhất chính là Iran.

Ngày 24/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Iran, ông Iraj Harirchi đã tổ chức một cuộc họp báo ở Tehran thông báo tình hình dịch bệnh ở Iran cho các cơ quan truyền thông lớn. Không ngờ, ngày hôm sau (25/2), ông đã bị chẩn đoán mắc COVID-19. Tính đến ngày 26/2, đã có 139 trường hợp bị bệnh được xác nhận ở Iran và số người chết đã tăng lên 19. Đánh giá từ dữ liệu của các trường hợp được xác nhận, tỷ lệ tử vong ở Iran cao tới 13,66%, vượt qua mức 3,4% ở Trung Quốc đại lục, 0,8% ở Hàn Quốc và 0,4% ở Nhật Bản, trở thành nước đứng đầu trên thế giới về tỷ lệ tử vong do COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Iraj Harirchi ho, lau mồ hôi trên tivi và đang phải điều trị vì nhiễm COVID-19 (Ảnh: Dailyxpress)
Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Iraj Harirchi ho, lau mồ hôi trên tivi và đang phải điều trị vì nhiễm COVID-19 (Ảnh: Dailyxpress)

Cần biết rằng, tỷ lệ tử vong hiện tại của Iran là rất hiếm thấy trong lịch sử dịch bệnh. Hội chứng hô hấp cấp do coronavirus toàn cầu (SARS) bùng phát từ Trung Quốc năm 2002 có tỷ lệ tử vong là 6,6% ở Trung Quốc đại lục và trên toàn cầu cũng chỉ 9,56%. Trong lịch sử các bệnh truyền nhiễm trong mười năm qua, chỉ có tỷ lệ tử vong toàn cầu của “virus chết chóc” Ebola (39%) và tỷ lệ tử vong của dịch SARS ở Hồng Kông năm 2003 (17%)  là có thể so sánh với dịch bệnh COVID-19 ở Iran hiện nay.

Tại sao tỷ lệ tử vong ở Iran lại cao như thế? Đó có phải là sai lầm của chính phủ Iran trong việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh? Hay là trình độ y tế yếu kém?

Các chuyên gia phân tích cho rằng có tỷ lệ tử vong cao như vậy ở Iran cho thấy chính phủ và các tổ chức y tế của Iran có một lỗ hổng lớn trong việc phòng ngừa, kiểm soát và điều trị dịch bệnh, khiến bệnh nhân bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất.

Theo tin tức của báo chí Iran, 2 trường hợp đầu tiên ở Iran từ khi công bố cho đến khi tử vong chỉ cách nhau vài giờ. Một tỷ lệ tử vong cao và chết nhanh như vậy rõ ràng là rất hiếm trong vụ dịch lần này. Xét từ góc độ bệnh lý học, điều này có liên quan đến khả năng phòng ngừa, kiểm soát bệnh tật của quốc gia.

Kiểm tra thân nhiệt tại nhà ga (Ảnh: Reuter)
Kiểm tra thân nhiệt tại nhà ga (Ảnh: Reuter)

Dựa trên việc điều tra khảo sát dịch tễ học hiện nay, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra một loạt các phương án chẩn đoán và điều trị viêm phổi do coronavirus chủng mới, đã chỉ ra rằng thời gian ủ bệnh của nCoV là từ 1 đến 14 ngày và phần lớn trong số đó là 3 đến 7 ngày. Sau khi xác nhận bị COVID-19, thời gian tốt nhất để giải cứu bệnh nhân là 72 giờ!

Bà Thịnh Cát Phương, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Trung Quốc và là trợ giảng đào tạo Tiến sĩ của Bệnh viện Số I, Đại học Y khoa Chiết Giang, đã từng đề cập đến “72 giờ vàng thời gian điều trị” khi điều trị COVID-19. Bà nói: “Là một bệnh truyền nhiễm do nCoV, trước hết là phương pháp điều trị kháng virus. Điều trị kháng virus nhất định phải sớm và tốt nhất là điều trị trong vòng 72 giờ, vì khi đó virus chưa làm hỏng đáng kể các tế bào”, bà nói.

Từ việc tính toán thời gian ủ bệnh do Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc công bố đến “72 giờ vàng” điều trị do  bà Thịnh Cát Phương đề xuất; lý lẽ của Trung Quốc trong việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh và điều trị bệnh nhân rất đơn giản: rút ngắn thời gian xác nhận bệnh và tăng tốc các biện pháp cứu chữa. Điều này đòi hỏi chính phủ phải chuẩn bị cho việc phòng ngừa, kiểm soát đại dịch COVID-19 và cố gắng đảm bảo để bệnh nhân có thể được cách ly và điều trị ngay trong giai đoạn đầu của bệnh để có được cơ hội điều trị và giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

Hành khách mang khẩu trang trong ga tàu điện ngầm ở Tehran (Ảnh: AP)
Hành khách mang khẩu trang trong ga tàu điện ngầm ở Tehran (Ảnh: AP)

Thế nhưng, ngày 19/2 mới phát hiện được trường hợp đầu tiên ở Iran và có tổng cộng 47 trường hợp được báo cáo vào ngày 24/2, trong đó có 12 trường hợp tử vong, chỉ sau 5 ngày, tức một phần ba số bệnh nhân đã chết. Điều này cho thấy phần lớn các bệnh nhân sau khi được phát hiện ở Iran rất có khả năng đã không được cách ly và điều trị kịp thời sau khi phát bệnh. Khi được đưa vào bệnh viện, họ đã ở trong tình trạng rất nặng, đã lỡ mất thời kỳ điều trị tốt nhất, dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng cao.

Ngoài việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh không đầy đủ, một nguyên nhân khác là trình độ y tế trong nước của Iran khá yếu. Tỷ lệ tử vong cao trong vụ dịch của Iran rất có thể liên quan đến việc thiếu thiết bị y tế và vật tư dùng để phòng ngừa và kiểm soát bệnh.

Hậu quả do chính sách cấm vận của Mỹ

Hơn 95% thuốc men và hơn 30% thiết bị y tế được sử dụng có thể do Iran tự sản xuất và cung cấp trong nước, nhưng đối với các loại thuốc và thiết bị y tế phức tạp và đắt tiền hơn cần có để điều trị các bệnh hiếm gặp, quốc gia này phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu. Nhập khẩu chiếm khoảng 90% thị phần, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng y tế như kim tiêm và ống xông.

Tuy nhiên, do căng thẳng gần đây trong quan hệ giữa Mỹ và Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018 và khởi động lại các lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị đối với Iran một cách toàn diện. Điều này khiến tình hình kinh tế Iran vừa mới có chút khởi sắc lại bị giáng thêm cú đánh; hầu hết các nước lại dần ngừng bán vật chất và thiết bị y tế cho Iran, điều này dẫn đến sự gia tăng giá cả mạnh về các thiết bị y tế và thuốc nhập khẩu ở Iran.

Tổng thống Iran Rouhani kêu gọi quốc tế viện trợ giúp Iran chống dịch (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Iran Rouhani kêu gọi quốc tế viện trợ giúp Iran chống dịch (Ảnh: Reuters)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Zarif hồi tháng 3/2019 đã gửi tới ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bản Tuyên bố của 66 nhà khoa học y tế Iran, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án Mỹ trừng phạt Iran trong vấn đề viện trợ nhân đạo và nhu cầu y tế; nhưng sự phản kháng của Iran đã không nhận được phản hồi từ Mỹ.

Do sự trừng phạt của Mỹ, nền kinh tế của Iran đang đối mặt với khó khăn. Ngày nay, Iran gặp nhiều trở ngại trong việc mua sắm các thiết bị y tế trên quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến thiết bị và vật tư sử dụng để điều trị bệnh nhân tại nhiều cơ sở y tế địa phương ở Iran. Được biết, nhiều cơ sở y tế ở Iran đang thiếu trầm trọng các thiết bị hiện đại, như máy thở và thiết bị chuyên dụng để cứu bệnh nhân bị bệnh tim, phổi và hô hấp nặng.

Cần biết rằng, sự hoàn thiện các thiết bị và hệ thống y tế có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ tử vong trong dịch bệnh của một quốc gia hoặc khu vực. Ví dụ, tỷ lệ tử vong của sự bùng phát virus Ebola ở Châu Phi năm 2013 cao tới 39%, chủ yếu là do sự lây lan của nó tập trung ở Châu Phi, nơi trình độ và thiết bị y tế tương đối lạc hậu. Ngày nay, Iran dường như đang phải đối mặt với những thách thức tương tự như Châu Phi vào thời điểm đó. Với việc phòng chống dịch bệnh không đúng mức và thiết bị y tế nghèo nàn, Iran cuối cùng đã trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất trong dịch bệnh lần này.

Nhân viên phòng dịch phun thuốc khử trùng tại các khu dân cư (Ảnh: Reuters)
Nhân viên phòng dịch phun thuốc khử trùng tại các khu dân cư (Ảnh: Reuters)

Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới đã giúp Iran có được bốn bộ thiết bị chẩn đoán do châu Âu sản xuất và hiện đang trên đường đến Iran. Tiến sĩ Jawad Marjor, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng Đối phó Khẩn cấp của WHO, cũng nói rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Iran có các khả năng cơ bản, giúp phát hiện và kiềm chế nCoV; nhưng Iran và hệ thống y tế của họ không thể so sánh được với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Iran hiện đang phải đối mặt với một cuộc chạy đua với thời gian. Liệu khả năng sản xuất vật tư chống dịch của họ có thể theo kịp hay không? Liệu chính phủ có phổ cập nhận thức về khả năng tự bảo vệ cho dân chúng thích đáng hay không? Liệu các thiết bị y tế có được đưa ra kịp thời hay không? Tất cả đều là những thử thách để Iran có hay không vượt qua được đại dịch lần này.