TP.HCM:Không để 34 trạm y tế ngưng hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Buổi họp khẩn giữa lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM  và BHXH TP.HCM mới đây đã thống nhất không để 34 trạm y tế phải ngưng hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT.
Đón tiếp Bệnh nhân khám bệnh BHYT (Ảnh: Hoà Bình)
Đón tiếp Bệnh nhân khám bệnh BHYT (Ảnh: Hoà Bình)

PGS.TS.BS.Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết, nguyên nhân chính khiến 34 trạm y tế thuộc 13 trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện nêu trên “được” BHXH TP.HCM đưa vào danh sách phải tạm ngưng ký hợp đồng KCB BHYT là do chưa kịp bổ sung người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật (do người phụ trách đã nghỉ hưu), chưa có người thay thế.

Ngoài ra, biến động nhân sự làm trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Một số trạm y tế đang trong giai đoạn làm thủ tục hành chính để được cấp phép lại do thay đổi vị trí (do được xây dựng mới), một vài trạm y tế trên địa bàn quận 9 có số lượt KCB BHYT ít nên tự xin BHXH TP.HCM ngưng KCB BHYT.

Đánh giá cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo BHXH TP.HCM nhất trí bằng nhiều giải pháp của mỗi bên, sẽ không để 34 trạm y tế phải ngưng hợp đồng KCB BHYT vào ngày 1/4/2021.

Phía lãnh đạo BHXH TP.HCM tuyên bố sẽ không “cứng nhắc” ngưng ký hợp đồng KCB BHYT tại các trạm y tế khi chưa thảo luận với Sở Y tế để tìm ra giải pháp khả thi nhất, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

“Các Giám đốc TTYT quận, huyện phải có nhận thức đúng về hoạt động KCB BHYT tại các trạm y tế phường, xã. Khi gặp khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay với Sở Y tế để được hỗ trợ, không tự ý gửi văn bản đến BHXH TP.HCM xin ngưng hợp đồng KCB BHYT tại các trạm y tế. Trong thời gian sắp tới, Sở Y tế sẽ tổ chức lớp tập huấn quản lý y tế cộng đồng cho tất cả lãnh đạo các trung tâm y tế, nhằm cập nhật một số quy định pháp luật liên quan KCB, đặc biệt là KCB BHYT ban đầu tại trạm y tế” – PGĐ Sở Y tế, BS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Nhu cầu đăng ký khám chữa bệnh BHYT lúc nào cũng cao (Ảnh: Hoà Bình)

Nhu cầu đăng ký khám chữa bệnh BHYT lúc nào cũng cao (Ảnh: Hoà Bình)

“Các bệnh viện quận, huyện phải xem hoạt động hỗ trợ nhân lực, nhất là bác sĩ đa khoa, và cung ứng thuốc KCB BHYT (đối với những TTYT chưa đủ năng lực đấu thầu thuốc) là một nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của bệnh viện quận, huyện đối với công tác chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các bệnh viện đẩy mạnh nghiên cứu và đề xuất chọn các trạm y tế là phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện đặt tại trạm y tế” – BS Tăng Chí Thượng nói thêm.

Tại cuộc họp, Sở Y tế yêu cầu đến ngày 15/3/2021 tất cả 34 trạm y tế trên địa bàn TP.HCM phải hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT phục vụ người dân trên địa bàn.

BS Tăng Chí Thượng đánh giá, trong những năm qua và tiếp tục trong giai đoạn tiếp theo, nâng cao năng lực trạm y tế tiếp tục là một trong những nhóm hoạt động trọng tâm của Ngành Y tế TP.HCM vì vai trò quan trọng của trạm y tế là tuyến đầu trực tiếp triển khai các hoạt động y tế cộng đồng, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ người dân trên địa bàn.

Bên cạnh trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19 hiện nay, hoạt động quản lý và chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn phường-xã, ưu tiên là các bệnh mạn tính không lây, phải được xem là một trong những hoạt động trọng tâm của các trạm y tế. Một khi thu hút được người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu sẽ giúp cho các trạm y tế thuận lợi hơn để triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ quan trọng khác.

Ngành Y tế TP.HCM đã triển khai lộ trình chuyển đổi hoạt động các trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, trong đó có củng cố nhân lực, thuốc, trang thiết bị thiết yếu để trạm y tế có thể đảm trách KCB BHYT.