Theo báo chí Mỹ, trong chuyến công du châu Á vào tuần tới, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ tìm cách trấn an các nhà lãnh đạo của khu vực rằng ông vẫn nắm quyền để hoàn thành sự phê chuẩn của chính phủ Mỹ đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho dù hai ứng cử viên tranh quyền kế vị ông và một thủ lãnh trong quốc hội đã lên tiếng rằng không nên xúc tiến thỏa thuận thương mại 12 nước tham gia này.
Hiệp ước thương mại này là cột trụ kinh tế của một kế hoạch lớn hơn mà ông Obama dự tính xoay chính sách đối ngoại của Mỹ sang châu Á để đối trọng với thế lực kinh tế và quân sự đang lớn mạnh của Trung Quốc.
Các chính trị gia trong nước tỏ ra hoài nghi về tương lai của hiệp ước thương mại này.
Thủ lãnh Khối đa số Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell hôm thứ Năm tuần trước nói rằng Thượng viện sẽ không biểu quyết cho hiệp ước này trong năm nay. Như vậy việc phê chuẩn hiệp ước này sẽ kéo sang nhiệm kỳ của tổng thống mới, người sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng.
Cả ứng cử viên Donald Trump của Ðảng Cộng hòa lẫn bà Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ đều lên tiếng chống TPP, với lý do đưa ra là các hiệp ước thương mại trước đó đã làm mất đi công ăn việc làm ở Mỹ. Bà Clinton đã ủng hộ TPP khi còn làm ngoại trưởng cho ông Obama.
Tổng thống Obama nói TPP sẽ thúc đẩy các chuẩn mực về lao động và môi trường – chỉnh sửa một số vấn đề mà các hiệp định thương mại trước đó đã vấp phải, chẳng hạn như Hiệp ước Thương mại Tự do Bắc Mỹ, và để tạo cơ hội tiếp cận với thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới cho cả các doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ của Mỹ.
Ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama hôm thứ Hai nói với các phóng viên báo chí: “Tại khu vực này của thế giới -- thị trường mới nổi lớn nhất thế giới -- TPP được xem như là một cuộc trắc nghiệm về vai trò lãnh đạo của Mỹ.”
Ông Rhodes nói: “Chúng ta sẽ thụt lùi khỏi vai trò lãnh đạo, chúng ta sẽ rút khỏi khu vực này để cho những nước khác tiến vào, chẳng hạn như Trung Quốc, nước không đặt ra những chuẩn mực cao cho các hiệp ước thương mại, nếu như chúng ta không tiếp tục đến cùng với TPP.”
Các ước tính về tác động kinh tế tiềm năng của TPP khác nhau, nhưng hầu hết đều cho thấy sẽ có rất ít tác động có ý nghĩa đối với kinh tế của Mỹ.
Ước tính của Viện Peterson, một viện nghiên cứu kinh tế ở Washington, gợi ý rằng TPP sẽ giúp tăng được 0,5% cho kinh tế của Mỹ sau 15 năm.
Nhưng người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói rằng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Mỹ ủng hộ hiệp ước, và điều đó sẽ mở đường “cho chúng ta hoàn thành việc phê chuẩn hiệp ước” trước ngày 20 tháng Giêng.
Trong một cuộc phỏng vấn, Cựu Đại diện Thương mại của Mỹ, bà Susan Schwab đoán khả năng TPP được phê chuẩn là rất thấp, nhưng không phải là không thể.
Bà Schwab, Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Cộng hòa George W. Bush, nói: “Đã có những ứng cử viên tổng thống chỉ trích các chính sách thương mại của chính quyền tiền nhiệm, và rồi họ lại tìm ra được cách chấp nhận các chính sách đó khi họ đã lên cầm quyền. Trong số đó có Tổng thống Obama và cựu Tổng thống của đảng Dân chủ - Bill Clinton.”
Ông Obama sẽ đến Trung Quốc vào thứ Bảy. Tại đó ông sẽ họp với Chủ tịch Tập Cận Bình và sẽ dự hội nghị G20. Sau đó ông sẽ sang Lào để dự hai hội nghị thượng đỉnh khu vực. Ông sẽ về lại Washington vào ngày 9 tháng 9.