Xuất hiện bên cạnh một số nghị sĩ đã ủng hộ dự luật này trong sáu tuần vận động chính trị gắt gao và căng thẳng ở nghị trường, ông Obama thừa nhận “cuộc chiến” để ông có thể thông qua TPP với sự tham gia của 12 nước thành viên vẫn còn nhiều cam go.
“Chúng ta vẫn còn những cuộc thương lượng khó khăn phía trước”, hãng tin Reuters dẫn lời ông trong lễ ký ban hành luật về quyền đàm phán nhanh cho tổng thống, tức TPA. Luật này quy định quốc hội chỉ có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với văn bản TPP, chứ không chỉnh sửa nữa.
“Cuộc tranh luận chưa kết thúc chỉ vì đạo luật này đã được ban hành”, ông nói, và thừa nhận rằng quốc hội sẽ còn điều nghiên TPP rất kỹ.
TPA là một đạo luật “cả gói” bao gồm cả những khoản hỗ trợ cho người lao động Mỹ có thể mất việc vì thương mại tự do và một dự luật ưu tiên thương mại cho các nước châu Phi.
Với ông Obama, TPP là trọng tâm trong chính sách “xoay trục” sang châu Á của chính quyền hiện giờ, sách lược ngoại giao có vai trò rất lớn trong việc giúp Mỹ cân bằng sự vươn lên của Trung Quốc ở khu vực.
Ông Obama cũng hy vọng có thể hoàn tất một hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng nữa với Liên minh châu Âu (EU) trong nhiệm kỳ của mình.
Các nghị sĩ Cộng hòa, vốn thường ủng hộ các hiệp định thương mại, là những người ủng hộ chính của ông Obama ở quốc hội, trong khi chính các đồng chí ở Đảng Dân chủ của ông Obama lại phản đối do lo ngại TPP sẽ làm ảnh hưởng tới người lao động Mỹ, cũng như bởi sức ép từ các công đoàn.
“Tôi nghĩ các dự luật này đã không dễ dàng được quốc hội thông qua. Chúng đã bị tuyên bố là chết yểu không dưới một lần”, ông Obama nói, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn với các nghị sĩ Cộng hòa cũng như Dân chủ đã ủng hộ ông.
“Tôi đã không ký những dự luật này nếu không tin chắc rằng rốt cuộc các đạo luật sẽ mang tới điều tốt đẹp cho người lao động Mỹ”, ông khẳng định.
Theo: Tuổi Trẻ