Tờ Tokyo Shimbun Nhật Bản ngày 21 tháng 2 có bài viết cho rằng ngày 20 tháng 2 là tròn 1 tháng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Sau khi tuyên bố rút khỏi Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Donald Trump lại tiến hành phê phán đối với Nhật Bản và Trung Quốc - những nước xuất siêu lớn đối với Mỹ. Mục đích của ông là gây sức ép để đối thủ nhượng bộ trong đàm phán chính thức, dành các điều kiện ưu đãi cho Mỹ.
Mặt khác, thị trường chứng khoán New York xuất hiện tăng lên do kỳ vọng vào các chính sách như giảm thuế quy mô lớn và nới lỏng giám sát, quản lý. Tiếp theo nhà đầu tư sẽ yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng các biện pháp cụ thể.
Khi tham dự một cuộc gặp gỡ tại bang Florida vào ngày 18 tháng 2, ông Donald Trump tiếp tục nhấn mạnh: "Nhiều cuộc đàm phán thương mại song phương sắp được triển khai. Đối với chính sách phá giá đồng bản tệ không chính đáng của các nước gây tổn thất lớn cho người lao động Mỹ, Hoa Kỳ sẽ áp dụng biện pháp kiên quyết".
Giảm bớt nhập khẩu hàng hoá giá rẻ, thu hút các nhà máy quay trở lại lãnh thổ Mỹ, tăng việc làm là chính sách quan trọng nhất của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong Chính phủ mới của Mỹ hiện nay, ông Peter Navarro, Chủ tịch Hội đồng Thương mại quốc gia (mới thành lập) và ông Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương Mại Mỹ được giao phụ trách quản lý thống nhất chính sách thương mại.
Hai người này chủ trương thông qua đàm phán thương mại song phương để kích thích xuất khẩu. Đây sẽ là phương hướng chỉ đạo của ông Donald Trump.
So với việc Văn phòng đại diện thương mại Mỹ phụ trách đàm phán thương mại trước đây, sự thay đổi mới về thể chế nói trên đã cho thấy ông Donald Trump là người coi trọng thân tín, không bị khuôn khổ đã có trói buộc.
Điều đặc biệt cần đề cập đến là ông Peter Navarro thuộc phe cứng rắn với Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc là nước có xuất siêu thương mại lớn nhất đối với Mỹ.
Về thương mại, ông Donald Trump coi Trung Quốc là "kẻ thù", lấy lý do Trung Quốc cung cấp trợ cấp cho các ngành nghề như phân bón hóa học để bán phá giá cho Mỹ, quyết định trưng thu thuế mang tính trừng phạt đối với Trung Quốc. Điều này có thể trở thành mồi lửa gây ra va chạm thương mại Trung - Mỹ trong tương lai.
Sau khi nhậm chức, ông Donald Trump cũng đã điểm danh phê phán Nhật Bản trong vấn đề ô tô và tỷ giá hối đoái. Mặc dù trong cuộc hội đàm cách đây không lâu (ngày 10 tháng 2) không đề cập đến những vấn đề này, nhưng hai bên đã đạt được đồng thuận về việc thiết lập đối thoại kinh tế do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đứng đầu.
Nhật Bản rất cảnh giác với việc Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra chính sách cứng rắn mang tính bảo hộ như tăng xuất khẩu xe ô tô Mỹ sang Nhật Bản.
Mặt khác, chỉ số Dow Jones ngày 25 tháng 1 lần đầu tiên đứng ở 20.000 điểm. Ông Donald Trump cũng coi đây là thành tích của mình. Nhưng, do việc bổ nhiệm các thành viên nội các chủ yếu diễn ra chậm chạp, việc giảm thuế và lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cũng không thể đưa ra được chính sách cụ thể.
Xung quanh vấn đề giảm thuế quy mô lớn, Quốc hội Mỹ đã bắt đầu tiến hành phối hợp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Có chuyên gia thị trường cho rằng nếu công tác phối hợp có tiến triển không thuận lợi thì có thể xuất hiện "tình trạng báo tháo trên thị trường do thất vọng gây ra".