Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên tại Nhà Trắng, cam kết trong nhiệm kỳ của mình ông sẽ ngăn cản Trung Quốc trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 25/3, Tổng thống Biden đã tuyên bố trong cuộc họp báo rằng ông sẽ ngăn chặn Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, đồng thời hứa đầu tư đáng kể để đảm bảo rằng Mỹ chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại cuộc họp báo đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức kéo dài một giờ, ông Biden đã dành gần mười phút để trình bày quan điểm của mình về quan hệ Mỹ - Trung.
Ông Biden nói, trong cuộc trò chuyện qua điện thoại kéo dài hai giờ với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi nhậm chức, ông đã nói rõ với người đầu dây bên kia rằng Mỹ không tìm kiếm "sự đối đầu", mà là có "sự cạnh tranh kịch liệt" giữa Mỹ và Trung Quốc, và Mỹ sẽ kiên trì yêu cầu Trung Quốc phải “cạnh tranh công bằng” theo các quy tắc quốc tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói hôm 25/3: "Ông Tập Cận Bình không có một chút dân chủ nào trong người" (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Ông Biden chỉ ra rằng, mục tiêu tổng thể của Trung Quốc là "trở thành quốc gia hàng đầu thế giới, quốc gia giàu nhất thế giới, và quốc gia hùng mạnh nhất thế giới".
"Tôi sẽ không chỉ trích họ vì mục tiêu của họ", Biden nói, "nhưng điều này sẽ không thể xảy ra dưới mũi tôi, bởi vì nước Mỹ vẫn đang tiếp tục phát triển hùng mạnh".
Ông Biden cũng đề cập lại sự hiểu biết của mình về ông Tập Cận Bình. "Tôi đã có thời gian quen biết ông Tập Cận Bình nhiều hơn các nhà lãnh đạo thế giới khác" - ông Biden nói. Trong nhiệm kỳ là Phó Tổng thống, ông Biden đã có những cuộc trao đổi nhiều giờ với Phó Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Tập Cận Bình. Ông gọi những cuộc trao đổi này là "chi tiết chuyên sâu" và "thẳng thắn".
Tổng thống Biden nhận xét về Tập Cận Bình trong cuộc họp báo hôm qua: "Ông ấy không có một chút dân chủ nào trong người, nhưng ông ấy là một người thông minh. Giống như ông Putin, ông ấy là một trong những người nghĩ rằng chuyên chế là trào lưu tương lai và dân chủ đang không thể phát huy được tác dụng trong một thế giới ngày càng phức tạp”.
Ông Biden nhấn mạnh rằng thế giới hiện đang phải đối mặt với "cuộc cạnh tranh giữa dân chủ và chế độ chuyên quyền" và "chúng ta phải chứng minh rằng dân chủ có tác dụng”.
Sau khi ông Biden vào Nhà Trắng, quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng (Ảnh: Đa Chiều). |
Để cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc, ông Biden cho rằng Mỹ cần làm ba việc: Thứ nhất là tăng cường đầu tư vào lao động Mỹ và công nghệ Mỹ. Ông hứa sẽ tăng đầu tư vào nghiên cứu y học, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học và các lĩnh vực khác lên mức khoảng 2% GDP. "Đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này vượt xa chúng ta, bởi vì kế hoạch của họ là có tương lai này", ông Biden nói.
Thứ hai là xây dựng lại liên minh. Ông Biden đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia châu Âu vào tối Thứ Năm. Hồi đầu tháng này, ông cũng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Chủ đề Trung Quốc là một trong những vấn đề quan trọng trong các cuộc đối thoại này. Tổng thống Biden nói rằng Mỹ sẽ thảo luận về tương lai với các đồng minh dân chủ của mình và "buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm và tuân thủ các quy tắc". Ông cũng đồng thời chỉ ra rằng đây không phải là cần "chống Trung Quốc", mà là "chúng ta phải để các nước dân chủ đoàn kết và hợp tác".
Thứ ba, Mỹ sẽ giữ vững các giá trị của mình và tiếp tục lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm tự do và nhân quyền của Trung Quốc. Ông Biden tuyên bố rằng ông đã thẳng thừng nói với ông Tập Cận Bình: "Chừng nào ông và đất nước của ông tiếp tục vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi sự chú ý của thế giới một cách kiên quyết và phơi bày rõ ràng tất cả những gì đang xảy ra".
Cuộc Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung lần đầu tiên dưới thời chính quyền Joe Biden tại Alaska kết thúc mà không có kết quả (Ảnh: AP). |
Ông Robert Daly, giám đốc The Kissinger Institute on China and the United States (Viện Kissinger về nghiên cứu quan hệ Trung – Mỹ) thuộc tổ chức tư vấn Woodrow Wilson International Center for Scholars (Trung tâm học giả quốc tế Wilson), cho rằng ngôn từ trong bài phát biểu của Biden đối với Trung Quốc tại cuộc họp báo không quá mạnh mẽ, nhưng ông đã trình bày về sự thật của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc rất rõ ràng.
"Tôi không nghĩ rằng Tổng thống Biden hôm nay phát biểu rất cứng rắn. Ông ấy chỉ nói rất rõ ràng. Ông ấy nói rằng đây là một cuộc cạnh tranh về địa chính trị và cũng là cuộc cạnh tranh giữa các giá trị. Ông ấy nói rằng đó là cuộc cạnh tranh giữa chế độ chuyên quyền và dân chủ. Điều này ông ấy đã nói rõ. Bắc Kinh không sử dụng những thuật ngữ này. Tập Cận Bình thường tránh thảo luận trực tiếp về những điều này". Robert Daly nói: "Bắc Kinh muốn đánh bùn sang ao và phủ nhận những mối quan hệ cạnh tranh này, vì họ vẫn chưa chuẩn bị từ văn hóa chính trị và truyền thống ngoại giao của Trung Quốc để thừa nhận rằng đây là mối quan hệ cạnh tranh đang tiến tới đối đầu, nhưng Bắc Kinh nhận thức rõ điều này".
Tại cuộc họp báo, có phóng viên đã hỏi Joe Biden: dựa trên kết quả của cuộc đàm phán ở Alaska và Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền, liệu ông có thêm khuynh hướng duy trì thuế quan đối với Trung Quốc, cấm các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất bằng lao động cưỡng bức và cắt đầu tư của Mỹ hay ngăn cản Trung Quốc tham gia hệ thống thanh toán quốc tế so với hồi mới nhậm chức hay không?
Ông Biden đã không trực tiếp trả lời câu hỏi này về những hành động cụ thể tiếp theo của chính phủ ông. Ông nói: “Đây đều là những vấn đề hợp lý, nhưng chúng chỉ chạm đến một phần nhỏ của mối quan hệ Mỹ - Trung”. Sau đó, ông chuyển chủ đề sang khuôn khổ cơ bản của chính sách Trung Quốc.
Về vấn đề này, Robert Daly cho rằng ông Biden có ý định tránh những cam kết quá mức.
Tổng thống Joe Biden trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo (Ảnh: AP). |
Ông Robert Daly nói: "Bởi vì Mỹ ngoài việc nói với thế giới rằng hành động của Trung Quốc là vô nhân đạo và chống lại nhân loại. Ngoài ra, những biện pháp trừng phạt này thực ra không có sức mạnh. Mỹ không có các biện pháp mạnh. Vì vậy, ông Biden không muốn đưa ra bất kỳ lời hứa nào với các phóng viên và cử tri Mỹ. Các bạn thấy đấy, chúng ta khó có thể thay đổi hành vi của Bắc Kinh, vì vậy ông ấy nói một cách khá mơ hồ”.
CNN ngày 25/3 đưa tin, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, sau cuộc họp báo của ông Joe Biden đã đáp trả rằng “mục tiêu của Trung Quốc không phải là thay thế Mỹ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới”. Thôi Thiên Khải nói: “Mục tiêu của chúng tôi là đáp ứng mong muốn ngày càng tăng của người dân Trung Quốc về một cuộc sống tốt đẹp hơn, không phải để cạnh tranh hoặc thay thế bất kỳ quốc gia nào".
Tại cuộc họp báo được nhiều người theo dõi này, Tổng thống Biden cũng nói về vấn đề Triều Tiên. Ông nói rằng việc Triều Tiên vừa bắn thử hai tên lửa đã vi phạm Nghị quyết 1718 của Liên hợp quốc. Chính phủ Mỹ đang đàm phán với các đồng minh. Nếu Triều Tiên chọn cách leo thang tình hình, Mỹ sẽ đáp trả tương ứng. Ông Biden cũng tuyên bố rằng ông cũng chuẩn bị áp dụng một số biện pháp ngoại giao, nhưng điều này phải dựa trên kết quả cuối cùng của việc phi hạt nhân hóa.