Tổng Bí thư: Xử dứt điểm các đại án, không để nhân sự tham nhũng vào cấp ủy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng Bí thư yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ liên quan đến Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm; kiên quyết không để nhân sự tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy.

Phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung vào trả lời 3 câu hỏi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng . Ảnh: Phạm Cường
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Phạm Cường

Vì sao chúng ta lại phải tổ chức hội nghị này?

Nhìn lại 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, kết quả nổi bật đạt được là gì; còn những hạn chế, khó khăn gì; đâu là nguyên nhân và những kinh nghiệm được rút ra?

Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở là gì và chúng ta phải làm như thế nào để thực hiện được yêu cầu đó?

Không để xảy ra tình trạng "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây"

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Tổng Bí thư cho biết có 3 lý do để chức hội nghị này. Trong đó, Tổng Bí thư nhắc lại, một bộ phận cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân. Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào thì như một "ông vua con" ở đấy.

Theo Tổng Bí thư, đây là những vấn đề bức xúc và cũng là yêu cầu, đòi hỏi của người dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó cũng là mục đích, yêu cầu và cũng là lý do vì sao lại tổ chức hội nghị này.

Với câu hỏi thứ 2, Tổng Bí thư khái quát lại một số kết quả nổi bật của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã hoạt động rất nền nếp, bài bản, tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức và hành động.

“Bản thân các đồng chí ngồi vào đây đã phải rất gương mẫu, quyết liệt, mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, tạo chuyển biến rất tốt, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là kết quả tích cực bước đầu, thể hiện đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng, Trên dưới đồng lòng, Dọc ngang thông suốt".

Kết quả nội bật nữa là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục được "trên nóng, dưới lạnh".

Theo Tổng Bí thư, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động.

Số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao; số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây.

Việc này góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên.

Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh
Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

“Đây cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh”, Tổng Bí thư khẳng định.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả hơn, không để xảy ra tình trạng mà trước đây ta vẫn hay nói là "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây", không anh nào chịu anh nào.

Tránh lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần

Đi vào câu hỏi thứ 3, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Trung ương, với chức năng là chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Do vậy, cần tránh phô trương, hình thức, "thành lập cho có", "được chăng hay chớ"; nhất là tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần.

Tổng Bí thư yêu cầu các thành viên không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Trung ương không làm thay, trừ những vụ việc lớn, khó, phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, hoặc có liên quan đến cả Trung ương và địa phương, thì Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo phối hợp xử lý.

Vì vậy, nếu nơi nào không làm, hoặc làm không đến nơi, đến chốn, phải đề xuất xử lý trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm người đứng đầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nơi đó.

Tổng Bí thư yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng sợ sai, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Trong đó, cần đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm"; tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người!"; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân né tránh, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng lưu ý, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

“Phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Bí thư yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương.

Đồng thời, Tổng Bí thư cũng yêu cầu đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo.

Loại bỏ những biểu hiện làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

“Khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để làm gương, tạo sự cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa chung”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn; những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở

Xử lý tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Cùng với đó là khắc phục bằng được tệ "tham nhũng vặt", gây bức xúc trong xã hội, làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân.

"Nếu các đồng chí không giữ mình thì còn nói được ai"

Tổng Bí thư cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.

“Kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp”, Tổng Bí thư nêu quyết tâm.

Hội nghị có hơn 2.500 đại biểu tham dự được kết nối trực tuyến từ Trung ương đến địa phương.
Hội nghị có hơn 2.500 đại biểu tham dự được kết nối trực tuyến từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, Tổng Bí thư lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo trước hết phải là những người thực sự gương mẫu, trong sạch, liêm - dũng - chính - trực, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào, dám nói, dám làm, kiên quyết làm vì lợi ích chung.

“Nếu các đồng chí không gương mẫu, giữ mình, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, thì còn nói được ai? xử lý được ai?”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư nhắc lại việc phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, bởi "Non cao vẫn có đường trèo. Đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi”, Tổng Bí thư nhắn nhủ.