Kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ
Ngày 21/10, khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thực hiện công tác nhân sự bầu Chủ tịch nước, nghe báo cáo tình hình kinh tế xã hội và một số dự án luật.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa nghị quyết của Trung ương lần thứ mười khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao thời gian qua hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, với ba chức năng quan trọng.
Ông Tô Lâm khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội cũng không ngừng được cải tiến, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo đảm kỷ luật kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan Nhà nước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ.
Quốc hội cũng đã đồng hành cùng Chính phủ quyết định ban hành kịp thời nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối ngoại của Quốc hội cũng được mở rộng với nhiều hoạt động nổi bật, Quốc hội được bầu ở nhiều vị trí quan trọng, ở các diễn đàn lớn, uy tín trên thế giới…
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, trong tổ chức hoạt động của Quốc hội vẫn còn có những tồn tại hạn chế cần sớm được khắc phục. Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn.
Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; chưa tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.
Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập… Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo giữa lập pháp và hành pháp; chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
"Đây là trách nhiệm của hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm quán triệt 3 vấn đề cần tập trung.
Một là, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó cần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
"Các quy định của pháp luật mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định, để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị.
Nhiệm vụ thứ hai, là thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cần sớm nghiên cứu, xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, phù hợp với thực tiễn, tránh trùng dẫm với hoạt động của các cơ quan Nhà nước khác, gây lãng phí.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động của Quốc hội đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu Quốc hội; coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải đúng vai, thuộc bài, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia.
"Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bầu Chủ tịch nước trong ngày làm việc đầu tiên
Trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành phút mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai trong thời gian qua.
Sau đó, các đại biểu nghe Thủ tướng trình bày báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước ngay trong ngày làm việc đầu tiên. Quy trình này được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Từ 11h15, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự. Chiều cùng ngày, nội dung này tiếp tục được triển khai.
Kỳ họp thứ 8 được tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, đợt 1, từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11 và Đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ bảy. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày.
Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật.
Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật và xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Quốc hội cũng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án giao thông quan trọng như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...