Tối hậu thư chót cho Hy Lạp

Eurozone vừa gia hạn cho Hy Lạp tới ngày 9-7 phải đưa ra các đề xuất mới để đạt được thỏa thuận với các chủ nợ. Đồng thời một cuộc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cũng được kêu gọi vào ngày 12-7.
Các ngân hàng ở Hy Lạp tiếp tục đóng cửa và tiền rút bị kiểm soát. Ảnh: Reuters
Các ngân hàng ở Hy Lạp tiếp tục đóng cửa và tiền rút bị kiểm soát. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết hiện đang là thời điển quyết định nhất trong lịch sử khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

“Hạn chót cuối cùng sẽ kết thúc trong tuần này” – ông Tusk nói sau cuộc họp khẩn cấp của các lãnh đạo eurozone ở Brussels hôm 7-7.

Trước đó, eurozone đã yêu cầu Hy Lạp đệ trình các kế hoạch mới vào ngày 6-7 sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tại nước này. Tuy nhiên, không có đề xuất nào được đưa tới bàn của các lãnh đạo châu Âu.

Trong cuộc họp khẩn cấp hôm 7-7 của các lãnh đạo châu Âu, Hy Lạp đã nhận tối hậu thư: hoặc đạt được thỏa thuận hoặc Hy Lạp và các ngân hàng của nước này phải đối mặt với khả năng sụp đổ vào ngày 13-7.

Phát biểu trong cuộc họp báo đêm 7-7, ông Tusk nói rằng sự phá sản của Hy Lạp và sụp đổ của hệ thống ngân hàng nước này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ châu Âu. Ông nhấn mạnh bất cứ ai cho rằng châu Âu sẽ không bị tác động đều là suy nghĩ ngây ngô.

Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu: “Đây không chỉ là vấn đề của riêng Hy Lạp. Đây là tương lai của EU”.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng ông muốn sự “công bằng xã hội và một thỏa thuận khả thi về kinh tế. Ông Tsipras sắp có bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg trong ngày 8-7 và các đề xuất mới của Hy Lạp sẽ được các bộ trưởng tài chính eurozone thảo thuận vào ngày 11-7.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Ảnh: EPA

 Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các lãnh đạo eurozone đã thảo luận hết sức nghiêm túc và thẳng thắn ở Brussels. Điều đó phản ánh tính chất nghiêm trọng của tình hình Hy Lạp. Bà khẳng định giới chức eurozone tất nhiên tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý của Hy Lạp, nhưng “eurozone không chỉ có một nước mà có tới 18 nước cùng chia sẻ quyền lợi và chia sẻ cả trách nhiệm”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết ông muốn Hy Lạp ở lại eurozone nhưng Hy Lạp phải “cho chúng tôi biết họ đang đi về đâu” vào cuối tuần này.

Theo BBC, thực tế là đã có sự giận giữ giữa một số thành viên eurozone vì sự ngang ngạnh của Hy Lạp. Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite gay gắt: “Hy Lạp hứa hẹn hôm nay, rồi họ lại hứa tới mai…Đối với chính phủ Hy Lạp, lúc nào cũng là “manana” – nghĩa là “ngày mai” trong tiếng Tây Ban Nha.

Theo BBC/NLĐ