“Tôi cảm thấy vô dụng, tuyệt vọng”: Nhật ký hành trình sơ tán của một phụ nữ Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mursal Rasa Jamili, một sinh viên đại học, giáo viên tiếng Anh và là phóng viên ở Kabul, đã được sơ tán tới Anh cùng 2 chị em gái. Sau đây là nhật ký hành trình của cô.
Người Afghanistan phải trải qua hành trình đầy gian khổ mới có thể được sơ tán (Ảnh: Business Insider)
Người Afghanistan phải trải qua hành trình đầy gian khổ mới có thể được sơ tán (Ảnh: Business Insider)

Chủ nhật, 22/8

Tôi không thể ngừng khóc khi nghĩ về quê hương. Những người lãnh đạo đã từ bỏ đất nước này, để nó rơi vào tay một nhóm khủng bố và tôi cảm thấy thật vô dụng, không nơi nương tựa và tuyệt vọng.

Đã là ngày thứ 9 kể từ khi Kabul sụp đổ và 9 ngày qua chúng tôi chỉ ăn mỗi cơm cho bữa trưa bởi đó là thứ thực phẩm duy nhất mà chúng tôi có thể nấu nướng tại nhà. Các tiệm tạp hóa vẫn mở cửa, nhưng một phụ nữ trẻ đi ra ngoài là không an toàn.

Chúng tôi không cảm thấy an toàn ngay cả ở trong nhà mình. Taliban đang lùng sục nhiều ngôi nhà. Chúng tôi biết rằng nhà của chúng tôi không còn là nơi trú ẩn an toàn cho 3 cô gái trẻ không có Mahram (người bảo hộ nam) nữa và chúng tôi rất sợ rằng họ sẽ xông vào nhà và áp dụng luật Sharria theo cách hiểu của họ với chúng tôi. Chúng tôi quyết định tới nhà một người họ hàng đáng tin ngay trong đêm.

Một chuyến bay sơ tán rời khỏi Kabul, Afghanistan hôm 27/8 (Ảnh: AFP)

Một chuyến bay sơ tán rời khỏi Kabul, Afghanistan hôm 27/8 (Ảnh: AFP)

Nhưng trong tình trạng hỗn loạn như vậy, không ai muốn chịu trách nhiệm cả. Chúng tôi cảm thấy như mình đang làm phiền họ vậy, và trở thành những vị khách không được chào đón. Bởi vậy chúng tôi quyết định đương đầu với tình hình và ở trong nhà mình. Chúng tôi khó tất cả cửa và cả cửa sổ ngay giữa thời tiết nóng ở Kabul, đến nỗi khó mà ngủ được trong đêm.

Chị gái tôi, người rất yêu quý công việc của mình, nói rằng: “Chị không thể tận dụng kiến thức của mình và trở thành một thành viên đóng góp cho xã hội nữa. Cuộc sống dưới sự kiểm soát của Taliban giống như cuộc sống nô dịch, bởi họ hạn chế sự tự do”.

Taliban đã bắt đầu bổ nhiệm một số vị trí trong chính phủ của họ, nhưng không hề có phụ nữ trong các tổ chức chính trị đó.

Thứ Hai, 23/8

Bức ảnh mà Rasa chụp lại trong hành trình rời khỏi Kabul (Ảnh: Guardian)

Bức ảnh mà Rasa chụp lại trong hành trình rời khỏi Kabul (Ảnh: Guardian)

Mỗi buổi sáng, tôi đều nhận được hàng tin nhắn từ bạn bè, mọi người đều đang tìm cách trốn khỏi đất nước này để có một cuộc sống bình thường. 2 trong số những người bạn của tôi đã rời khỏi đất nước trong ngày hôm nay. Họ kể rằng “đó không phải một chuyến du lịch vui vẻ gì”. Chính phủ mới chuẩn bị thành hình và không hề có sự tôn trọng các nhóm người thiểu số. Họ tuyên bố trong các nhà thờ Shia rằng họ họ phải cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, trong khi đó không phải phong tục của người Shia. Họ tập trung tất cả giáo sĩ trong một nhà thờ Hồi giáo để dạy cho họ cách hiểu về đạo Hồi của Taliban. Một số người cố gắng tiếp tục với cuộc sống bình thường, nhưng đối với tôi cùng các chị em, điều đó là không thể.

Thật khó khăn khi cứ phải ngồi chờ để một nhóm khủng bố đưa ra quyết định về cuộc sống của mình. Chúng tôi không còn có quyền tự lựa chọn quần áo mà chúng tôi mặc, nơi chúng tôi đến, công việc chúng tôi làm và thậm chí là người mà chúng tôi trò chuyện cùng. Đương nhiên tôi chưa từng muốn có cuộc sống như vậy, không có việc làm, không trường đại học và sống không có mục đích.

Chúng tôi từng chuyển tới Pakistan khi Taliban giành quyền ở Afghanistan lần đầu tiên, khi tôi mới 6 tháng tuổi, nhưng sau đó trở về Afghanistan ngay ngày đầu tiên nước cộng hòa được tuyên bố thành lập.

Tôi chưa từng nghĩ điều này sẽ lặp lại một lần nữa, nhưng giờ, lần thứ hai, tôi lại quyết định rời khỏi đất nước. Lịch sử đầy bi kịch của chúng tôi lại tái diễn, nhưng lần này chúng tôi không còn có cha ở cạnh bên, và tôi không muốn các chị em mình bị tổn hại bởi tôi. (Taliban hồi tuần trước đã ám sát thân nhân của một nhà báo khi chúng không tìm thấy anh ta).

Anh luôn là đất nước mà tôi yêu thích và tôi luôn mong muốn tiếp tục được học ở đó, nhưng thông tin tôi được phép sơ tán đến đó không khiến tôi quá vui mừng, bởi tôi để cho đất nước mình rơi vào tay của những kẻ sẽ không muốn xây dựng nó. Họ đang loại bỏ phụ nữ khỏi xã hội và tước đoạt chút ít sự tự do mà phụ nữ đã đạt được.

Thứ Ba, 24/8

Rasa cùng hai người chị em của mình (Ảnh: Guardian)

Rasa cùng hai người chị em của mình (Ảnh: Guardian)

Khó có thể giải thích nổi điều mà chúng tôi đã phải trả qua khi đi vào khách sạn Baron (địa điểm mà Anh lấy làm trung tâm tiếp nhận người sơ tán). Các chị em và tôi không ngủ được trong đêm hôm trước bởi chúng tôi gặp vấn đề khi liên lạc với Đại sứ quán, để xác nhận rằng chúng tôi đủ điều kiện sơ tán. Chúng tôi đã đóng gói sẵn đồ đạc, bởi vậy mà khi chúng tôi nhân được email, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi nhà mình và gọi cho cha của một người bạn để đóng giả làm cha của chúng tôi, đưa chúng tôi tới sân bay. Rất rủi ro khi đi ra ngoài đường mà không có người bảo hộ nam.

Mọi tuyến đường chính dẫn tới sân bay đều bị kiểm soát bởi Taliban và binh sĩ quốc tế, nhưng Zahra Joya, một nhà báo Afghanistan từng thực hiện chuyến đi này trong hôm trước, đã hướng dẫn chúng tôi đi theo một tuyến đường bí mật không có các điểm chốt của Taliban.

Khi chúng tôi đến nơi, hàng nghìn người đang đứng chờ xung quanh sân bay, hy vọng sẽ đến đủ gần các binh sĩ nước ngoài để trưng cho họ xem giấy tờ của họ. Một số người thậm chí còn không có giấy tờ nhưng vấn hy vọng được lên một chuyến bay. Quân đội không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải bắn chỉ thiên để kiểm soát đám đông. Có nhiều trẻ em trong số các gia đình, và có khả năng cao là họ đã chịu tổn hại.

Các chị em và tôi đã nhận được email từ Đại sứ quán Anh và chúng tôi đang cố gắng tìm binh sĩ Anh để cho họ thấy giấy tờ của chúng tôi. Không có cách nào để tiếp cận với bất cứ ai mà không phải đi qua một con kênh bẩn thỉu. Nhưng ai cũng phải mò xuống để có thể tiếp cận các binh sĩ, để trao cho họ giấy tờ.

Tình thế lúc đó tồi tệ đến nỗi chúng tôi bắt đầu cảm thấy hơi hối hận khi quyết định đến sân bay. Chúng tôi đã phải đứng dưới con kênh đó suốt nhiều giờ đồng hồ liền để được nộp giấy tờ.

Cuối cùng, chúng tôi cũng được ra khỏi con kênh và đến được cánh cửa của khách sạn Baron nhờ sự giúp đỡ của 2 người phụ nữ trực thuộc quân đội Anh.

Khi chúng tôi đến đó, các binh sĩ cũng hết sức mệt mỏi, không khác gì chúng tôi. Một vài người trong số họ ngủ ngay trên sàn nhà và một số khác vẫn đang bận rộn với công việc giúp đỡ các gia đình người Afghanistan. Tôi thực sự trân trọng tất cả những gì họ đã làm, và sự hỗ trợ của quân đội quốc tế khi giúp đỡ người dân Afghansitan.

Nước Anh đã rất tốt với chúng tôi và chào đón chúng tôi đến. Có hàng trăm người đang chờ đợi để xem liệu họ có đủ điều kiện để được sơ tán hay không.

Đó là một ngày hết sức mệt mỏi. Chúng tôi rất buồn ngủ, đói và mệt mỏi. Hàng trăm gia đình, trong đó rất nhiều gia đình có trẻ em, cũng phải trải qua hành trình tương tự với hy vọng cứu rỗi cuộc sống của họ.

Thứ Tư, 25/8

Lại một đêm mất ngủ. Đây là một trong những đêm khó khăn nhất trong cuộc đời tôi, chúng tôi cố ngủ trên những phiến đá trong một không gian rất chật hẹp, đông người. Không có gì để ăn. Những binh sĩ Anh tốt bụng đã phân phát thực phẩm cho trẻ em.

Nhiều gia đình xung quanh chúng tôi bắt đầu hỏi: “Cô đi cùng với ai? Ai là người đàn ông trong gia đình cô?”. Khi chúng tôi trả lời rằng chỉ có 3 chị em trong hành trình này, họ tỏ ra rất bất ngờ. Cứ như thể việc 3 cô gái di chuyển mà không có người bảo hộ nam là rất bất thường, họ tiếp tục đặt câu hỏi như thể chúng tôi đã làm gì sai trái vậy.

Người ta xếp hàng rất dài và hàng trăm gia đình chờ đợi để trao giấy tờ cho binh sĩ kiểm tra. Nhiều người bị gửi trả về nhà bởi không có giấy tờ đầy đủ. Sau khi chờ đợi hơn 26 giờ đồng hồ, một sĩ quan Anh xuất hiện và kiểm tra giấy tờ của chúng tôi. “Mang chúng đi và hãy trở về nhà”, anh ta nói. Thật đáng thất vọng.

Chúng tôi đã mất hết hy vọng về một cuộc sống an toàn. Nhưng tôi vẫn chưa từ bỏ. “Xin lỗi, thưa ngài, nhưng chúng tôi nhận được bức email này từ Đại sứ quán Anh”, tôi nói. Và anh ta trả lời. “Ai cũng có nó mà. Nó không phải giấy tờ hợp lệ”.

Không may thay, một số người đã lợi dụng quy trình sơ tán này để đi vào trong sân bay cùng với những bức email giả mạo, và đó là lý do họ nghĩ rằng bức email của tôi là giả. Nhưng tôi chắc chắn giấy tờ của chúng tôi là hợp lệ, bởi vậy tôi giải thích rằng tôi nhận được email từ một sĩ quan khác. Anh ta kiểm tra lại giấy tờ của chúng tôi và bảo chúng tôi chờ phỏng vấn.

Để tránh đám đông, chỉ có người sơ tán chính từ mỗi gia đình được cho đứng vào hàng chờ, trong khi các thành viên còn lại đứng ở ngoài. Khi tôi bước vào hàng chờ, một số người đàn ông nói: “Hãy bảo đàn ông trong nhóm của cô đứng vào hàng đi”. Tôi đáp lại rằng “Chúng tôi là những người gánh vác trong gia đình”. Những người xung quang bắt đầu dòm ngó chúng tôi. Điều đó càng khiến tôi lo ngại về việc phải sống ở Afghanistan. Ngay cả thường dân Afghanistan cũng không chấp nhận được việc phụ nữ có thể sống độc lập. Tuy nhiên, một binh sĩ Anh, người đang kiểm soát đám đông ở đó, đã nhường cho tôi ghế ngồi và bắt đầu nói chuyện với tôi với thái độ tôn trọng.

Chúng tôi chờ đợi khoảng 4 giờ đồng hồ và cuối cùng đã được phép sơ tán.

Bên trong chuyến bay tới Dubai của chị em Rasa (Ảnh: Guardian)

Bên trong chuyến bay tới Dubai của chị em Rasa (Ảnh: Guardian)

Chuyến bay của chúng tôi từ Kabul tới Dubai vào khoảng lúc 6h00 chiều. Đó là chuyến bay đầu tiên mà tôi có trong đời và đó là một chiếc máy bay quân sự. Hàng trăm gia đình Afghanistan cũng ở trên chuyến bay, một số trong đó chưa từng ngồi máy bay bao giờ, giống như tôi.

Thật khó khăn khi phải rời bỏ đất nước mà không nói lời từ biệt với bạn bè. Tôi không thể quên những nơi tôi từng đi qua thời còn thơ ấu. Tôi hy vọng có một ngày tôi sẽ trở về quê hương và nhận thấy rằng nó đã trở thành một nơi an toàn và tự do. Tôi biết rời khỏi đất nước và những người đồng bào trong lúc khó khăn là hành động ích kỷ, nhưng đó là cách duy nhất để bản thân tôi được an toàn.

Thứ Năm, 26/8

Trên đường tới Anh. Tôi đã liên tục nghĩ về mọi thứ mà mình bỏ lại phía sau để có một cuộc sống an toàn. Học sinh của tôi có thể sẽ không còn được hưởng nền giáo dục, cũng không được hưởng một cuộc sống mà chúng xứng đáng được có nữa. Nhiều bạn bè đại học của tôi vất vả suốt 16 năm mới có được tấm bằng cùng công việc mơ ước, giờ thì không còn hy vọng nữa. Tôi nhìn vào một số phụ nữ và trẻ em Afghanistan may mắn khi được chính phủ Anh sơ tán.

Nhưng mọi suy nghĩ của tôi đều hướng tới những đứa trẻ nhỏ, rồi sẽ bị một nhóm khủng bố đem đi huấn luyện. Phụ nữ trong quân đội, những người đã bị mất công việc của họ. Những người phụ nữ bị Taliban đánh đập ở Kabul sau khi thành phố này sụp đổ. Những đứa trẻ bị mất cha mẹ trong chiến tranh. Chúng không có một người trụ cột trong gia đình, và hơn cả nền giáo dục, tôi thậm chí lo lắng về cơm ăn và nhà ở của chúng.

Khi đã ở trong khoang máy bay, tôi bắt đầu nói chuyện với những gia đình xung quanh tôi. Một người nói: “Tôi muốn con cái mình trưởng thành cùng với những truyền thống của đất nước chúng ta, nhưng tôi không thể để chúng chết. Bởi vậy tôi phải đưa chúng rời khỏi đó”.

Anh rất an toàn và tôi rất thích đất nước này. Nhưng nó cách quê hương tôi rất xa. Tôi thực sự hy vọng chúng tôi sẽ đủ may mắn để có được một đất nước an toàn, nơi mà chúng tôi có thể ở lại và nỗ lực để cải thiện nó.

Theo The Guardian