“Tội ác chiến tranh” khủng khiếp ở Aleppo, Syria

Ngày 5-5, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) công bố báo cáo khẳng định cả quân đội Syria và các nhóm nổi dậy đều vi phạm hàng loạt tội ác chiến tranh tàn bạo hằng ngày ở thành phố Aleppo.
Cảnh đổ nát hoang tàn ở Aleppo sau các vụ đánh bom - Ảnh: Reuters
Cảnh đổ nát hoang tàn ở Aleppo sau các vụ đánh bom - Ảnh: Reuters

Theo BBC, báo cáo của AI cho biết từ tháng 1-2014 đến tháng 3-2015, máy bay chiến đấu của lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên tục ném bom thùng (thùng dầu chứa đầy chất nổ và mảnh kim loại) xuống các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Aleppo.

Các mục tiêu bị bắn phá là 14 khu chợ, 12 trung tâm giao thông, 23 nhà thờ Hồi giáo, 17 bệnh viện và trung tâm y tế cùng ba trường học.

“Tôi chứng kiến nhiều thi thể trẻ em tan nát khắp nơi. Tình cảnh chẳng khác gì địa ngục” - báo cáo dẫn lời một công nhân địa phương mô tả sau một vụ ném bom ở quận al-Fardous năm 2014.

Phần lớn số người thiệt mạng trong các vụ ném bom là thường dân. Theo điều tra của Trung tâm Dữ liệu vi phạm (VDC), bom thùng của quân đội Syria đã giết chết ít nhất 3.124 thường dân và 35 tay súng nổi dậy ở Aleppo từ tháng 1-2014 đến tháng 3-2015.

Thành phố Aleppo bị chia cắt thành các khu vực do quân đội Syria và quân nổi dậy kiểm soát kể từ năm 2012. AI cho rằng các đợt tấn công của quân đội Syria cố tình nhắm vào thường dân và là tội ác chiến tranh.

Mới hôm 4-5, một quả bom thùng rơi trúng một trường mẫu giáo ở quận Saif al-Dawla khiến 10 người thiệt mạng, bao gồm bốn trẻ em.

Đến nay, Tổng thống al-Assad vẫn luôn phủ nhận cáo buộc quân đội nước này ném bom thùng vào thường dân.

Tổ chức AI khẳng định không chỉ quân đội Syria, cả các nhóm nổi dậy cũng phạm nhiều tội ác đẫm máu. Các nhóm này dùng nhiều loại vũ khí hạng nặng giết chết 600 thường dân trong năm 2014.

AI cho biết các tội ác đẫm máu khiến cuộc sống thường dân ở Aleppo trở thành địa ngục.

Ông Philip Luther, giám đốc AI khu vực Trung Đông, chỉ trích cộng đồng quốc tế “đã quay lưng lại với người dân Aleppo, thể hiện sự thờ ơ tàn nhẫn đối với một bi kịch nhân đạo”.  

Theo: Tuổi Trẻ