Tổ chức Y tế Thế giới liên tiếp cảnh báo về "Bệnh X"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom từng nói COVID-19 có thể là “bệnh X” ("Disease X") đầu tiên; nhiều nhà khoa học cũng đã đề xuất nên coi COVID-19 là “bệnh X” đầu tiên…

Bệnh X được giới Khoa học quốc tế coi là dịch bệnh chắc chắn xảy ra trong tương lai (Ảnh: infectioncontrol).
Bệnh X được giới Khoa học quốc tế coi là dịch bệnh chắc chắn xảy ra trong tương lai (Ảnh: infectioncontrol).

"Bệnh X" ('Disease X') là cụm từ các nhà khoa học quốc tế dùng để chỉ một mầm bệnh chưa biết, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và có khả năng gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên thế giới do đột biến. Những mầm bệnh như vậy có thể xuất hiện trong tương lai và có khả năng gây ra đại dịch toàn cầu nghiêm trọng.

Theo trang web chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đã đưa ra cảnh báo công khai về khả năng bùng phát "bệnh X", ông cho rằng đợt bùng phát đại dịch tiếp theo "không phải là vấn đề có xảy ra hay không, mà là xảy ra lúc nào”, đồng thời kêu gọi làm tốt việc chuẩn bị đối phó với “bệnh X”.

Gần đây, mầm bệnh “bệnh X” chưa rõ đã được nhắc đến nhiều lần. Theo tin trước đó của các cơ quan truyền thông quốc tế, ngày 17/1/2024 giờ địa phương, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, đã thành lập một diễn đàn phụ có tên “Chuẩn bị cho dịch bệnh ‘bệnh X’”.

Tại sao “bệnh X” được WHO cảnh báo? Sự bùng phát của nó liệu có phải là tất yếu? Chúng ta có thể chuẩn bị như thế nào?

tgd-who-tedros-adhanom-1822.png
Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom cảnh báo về nguy cơ bùng phát đại dịch 'bệnh X" tới đây (Ảnh: WHO).

"Bệnh X" là gì?

Trên thực tế, “bệnh X” không phải là một căn bệnh cụ thể thực sự hiện đang tồn tại. Theo WHO, “bệnh X” đề cập đến khả năng một mầm bệnh chưa biết gây ra đại dịch quốc tế nghiêm trọng. Nó có thể được kích hoạt bất cứ lúc nào và từ nhiều nguồn, có khả năng cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Đây không phải là lần đầu tiên khái niệm này được nêu ra. Ngay từ năm 2018, WHO đã đưa ra cảnh báo tương tự, liệt kê “bệnh X” là “mầm bệnh trọng điểm” có thể gây ra dịch bệnh hoặc đại dịch. Cùng được điểm danh là virus Ebola, virus Zika, virus Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), v.v. Theo trang web chính thức của WHO, việc đưa "bệnh X" vào là để bao gồm những mầm bệnh chưa biết có thể gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên phạm vi quốc tế.

Mục đích ban đầu của việc đưa ra khái niệm “bệnh X” là nhằm giảm thiểu hoặc tránh những mầm bệnh mới phát hiện hoặc biến chủng SARS-CoV-2 gây hại cho con người.

"Trong những năm còn lại của cuộc đời, chúng ta có khả năng, thậm chí rất có thể phải đối mặt với một đại dịch khác. Chúng ta không biết nó sẽ nghiêm trọng đến mức nào, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị sẵn sàng", ông Tedros Adhanom gần đây đã phát biểu tại hội nghị các nhà lãnh đạo các chính phủ thế giới.

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong giám sát, quỹ chống đại dịch, năng lực sản xuất vaccine, v.v., nhưng xét về tình hình hiện nay, thế giới vẫn chưa chuẩn bị tốt cho “bệnh X” và đại dịch tiếp theo.

Liệu “bệnh X” chắc chắn sẽ ập đến?

Ông Tedros Adhanom nói tại hội nghị nói trên rằng đợt bùng phát đại dịch tiếp theo “không phải là vấn đề có hay không, mà là xảy ra khi nào”.

"Các loại virus trong tự nhiên luôn đe dọa sức khỏe con người. Mặc dù hiện đã phát hiện hơn 300 loại virus có thể lây nhiễm cho con người nhưng vẫn còn một số lượng lớn các loại virus chưa được biết đến cần được xác nhận và nhiều loại trong số chúng có thể có khả năng đột phá rào cản giữa các loài và lây nhiễm sang người", ông Lô Hồng Châu (Lu Hongzhou) - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Trung Quốc, nói với các phóng viên rằng một nghiên cứu cho thấy trong số 25 dòng virus được điều tra, có khoảng 1,67 triệu loại virus chưa được biết đến vẫn chưa được phát hiện, trong đó có từ 631.000 đến 827.000 loài có thể lây nhiễm sang người.

Ông chỉ ra rằng với việc giao lưu quốc tế trở nên thường xuyên hơn, các vi sinh vật gây bệnh mới đang xuất hiện với tốc độ nhanh chóng, việc ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm quy mô lớn ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trước đó, ông đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng các chuyên gia trên thế giới đều tin rằng một căn bệnh truyền nhiễm mới khác có thể bùng phát trong tương lai gần.

Do tính không xác định của các hoạt động của con người và sự đột biến không định hướng của mầm bệnh nên rất khó dự đoán chính xác thời điểm xuất hiện của “bệnh X” trong tương lai. Nhưng về lâu dài, “bệnh X” chắc chắn sẽ xảy ra, và con người nên tiếp tục tăng cường đầu tư cho lĩnh vực y tế công cộng để bình tĩnh ứng phó.

benh-x-duoc-canh-bao-rong-rai-8667.png
Bệnh X hiện được giới khoa học và truyền thông cảnh báo rộng rãi (Ảnh: .wionews).

Làm thế nào ứng phó với sự xuất hiện của "bệnh X"?

Do mầm "bệnh X" chưa thể xác định nên việc ứng phó với nó là rất khó khăn. Đầu tiên, cần phải cải thiện khả năng ứng phó khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, bao gồm thiết lập công nghệ phát hiện các mầm bệnh chưa xác định và hình thành mạng lưới cảnh báo và giám sát sớm nhạy hơn và hiệu quả hơn.

Thứ hai, cần nâng cao trình độ điều trị lâm sàng và năng lực phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế để có thể đáp ứng tình huống nhu cầu y tế tăng đột biến. Cuối cùng, nâng cao công nghệ nghiên cứu phát triển và năng lực sản xuất vaccine mới, có thể nhanh chóng thiết lập hàng rào miễn dịch trong cộng đồng sau khi “bệnh X” bùng phát.

Để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi có thể xảy ra, ông Lô Hồng Châu đề nghị thiết lập một hệ thống chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị và nghiên cứu mới hoàn thiện, dành cho các bệnh truyền nhiễm mới nổi và hình thành một hệ thống mới để xác định mầm bệnh, phát triển các phương pháp phát hiện và nghiên cứu cơ chế sinh bệnh của các bệnh truyền nhiễm mới. Hình thành vòng khép kín từ cơ chế nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc mới; thực hiện chuyển đổi nhanh chóng và ứng phó khoa học, kịp thời, hiệu quả trước các tình huống dịch khẩn cấp.

Ngoài ra, phải xây dựng một hệ thống y tế công cộng lớn mạnh, bao gồm tập trung bồi dưỡng những nhân tài có thể giải quyết các vấn đề thực tế như xác định mầm bệnh và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; tăng cường toàn diện việc xây dựng năng lực điều trị bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện công và nâng cao năng lực dự trữ điều trị y tế khẩn cấp; đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ lĩnh vực y tế, tập trung nỗ lực vào nghiên cứu đột phá công nghệ cốt lõi, tăng cường hợp tác với WHO và các nước liên quan sẽ giúp chống lại các đại dịch bệnh truyền nhiễm mới có thể xuất hiện trong tương lai.

(Theo Sohu)