Theo trang tin Đông Phương của Hong Kong, báo Koran Tempo (Thời đại) của Indonesia số ra ngày 4/1 đã đăng tải một tuyên bố của ông Chares Honoris, nghị sĩ Quốc hội của đảng PIDP cầm quyền nói, chính phủ cần phải đánh giá lại quan hệ song phương với Trung Quốc, có thể xem xét đình chỉ hoặc hủy bỏ các kế hoạch hợp tác song phương khác nhau đang thảo luận. Ông Honoris cũng đề nghị Indonesia có thể tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia thành viên ASEAN khác và từ chối tham gia các hoạt động đa phương do Trung Quốc khởi xướng trên các diễn đàn quốc tế.
Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia cho biết, trong khoảng thời gian từ 19 đến 24 tháng 12/2019, ít nhất 63 tàu cá Trung Quốc đã vào Quần đảo Natuna để đánh cá, và các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào khu vực lân cận để bảo vệ. Hãng thông tấn quốc gia Indonesia đưa tin, gần đây, lực lượng Thủy quân lục chiến nước này đã điều động 5 tàu để tiến hành xua đuổi các tàu cá Trung Quốc.
Nghị sĩ Charles Honoris (trái) và Tổng thống Joko Widodo (Ảnh: Đông Phương)
|
Ngoài ra, theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 7/1, do không hài lòng với các tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của mình, chính phủ Indonesia bắt đầu huy động các ngư dân tới vùng biển tranh chấp đối đầu với các tàu Trung Quốc.
Đa Chiều dẫn nguồn tin Reuters ngày 6/1 nói, chính phủ Indonesia cùng ngày cho biết sẽ huy động ngư dân tham gia cùng đội ngũ tàu chiến để chống lại các tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
Bài báo nói, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nói với các phóng viên trong một tuyên bố mạnh mẽ khác thường: “Liên quan đến chủ quyền của chúng tôi, không có chỗ cho việc đàm phán”.
Các thông tin cho biết, kể từ khi xảy ra đối đầu ở quần đảo Bắc Natuna vào tháng trước, các tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá Trung Quốc cùng xuất hiện ở đây đã làm xấu đi mối quan hệ thân thiện giữa Jakarta và Bắc Kinh.
Ông Bộ trưởng An ninh Indonesia tuyên bố với các phóng viên, sẽ có khoảng 120 ngư dân từ đảo Java sẽ được gửi đến Quần đảo Natuna cách khoảng 1.000 km về phía Bắc. “Chúng tôi muốn huy động ngư dân của chúng tôi từ Bờ biển phía Bắc và cũng có thể huy động ngư dân từ các nơi khác đến đó đánh bắt” - ông nói.
Indonesia tuần trước từng cho biết họ sẽ gửi thêm nhiều tàu chiến đến khu vực này. Ông Imam Hidayat, Giám đốc bộ phận hành động trên biển của Cục An ninh trên biển nói, hiện có 6 tàu chiến Indonesia ở đó và 4 chiếc đang trên đường ra.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: Đa Chiều)
|
Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố rằng Trung Quốc luôn tuyên bố chủ quyền đối với khu vực biển liên quan. Indonesia cho rằng yêu sách này không có cơ sở pháp lý và nhấn mạnh Indonesia không phải là bên có yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông (Indonesia gọi khu vực biển mà họ đòi chủ quyền là Biển Natuna). Theo hồ sơ của Cục An ninh trên biển Indonesia, từ ngày 19 đến 24/12/2019, có ít nhất 63 tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vào vùng biển Natuna để đánh bắt cá bất hợp pháp và hàng chục tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi theo bảo vệ.
Trước đó, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã trả lời rằng việc ngư dân Trung Quốc tiến hành các hoạt động sản xuất nghề cá ở vùng biển có liên quan của “quần đảo Nam Sa” (tên họ đặt trái phép để gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - NV) là hợp pháp và hợp lý; rằng, tàu cảnh sát biển Trung Quốc duy trì trật tự ở vùng biển liên quan, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân Trung Quốc. Ông ta nói, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đối thoại song phương với Indonesia để quản lý thỏa sự khác biệt.
Đa Chiều nói, được biết, khu vực biển Natuna là một khu vực có tiềm năng dầu khí nổi tiếng.