Theo trang tin Đông Phương ngày 31/12, Bộ Ngoại giao Indonesia đã ra tuyên bố nói, tàu tuần tra biển Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở gần quần đảo Natuna, nhưng không tiết lộ thời gian xảy ra vụ việc. Tuyên bố cũng nói rằng Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia sẽ báo cáo vụ việc với Bắc Kinh, nhưng nhắc lại hai bên sẽ duy trì quan hệ song phương tốt đẹp.
Truyền thông địa phương cho biết nhiều ngư dân Indonesia đã phát hiện ra rằng tàu tuần tra biển của Trung Quốc gần đây đã nhiều lần hộ tống các tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt trong vùng biển của Indonesia. Các ngư dân đã thông báo tình hình cho Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia. Bộ Ngoại giao Indonesia nhắc lại rằng Indonesia là một quốc gia không có yêu sách ở Biển Đông (non-claimant state) và không có vùng biển có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc.
Khu vực biển Natuna của Indonesia mà tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập. (Ảnh: Reuters)
|
Theo The Jakarta Post ngày 30/12, Hồ sơ của Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 24/12, ít nhất 63 tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá của Trung Quốc, trong đó có hàng chục tàu hải cảnh đã tự ý xâm nhập vào vùng biển Natuna của tỉnh quần đảo Riau mà không được phép. Cục An ninh Hàng hải đã cử tàu tới khu vực này giám sát và thông báo cho Bộ Ngoại giao Indonesia về phát hiện này để họ áp dụng hành động ngoại giao phù hợp.
Ông Teuku Faizasyah, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, Indonesia đã phản đối sự hiện diện của tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở vùng lãnh biển Indonesia gần Biển Đông đang có tranh chấp, nói rằng “đây là sự xâm phạm chủ quyền”. Ông cũng nói Indonesia sẽ không bao giờ công nhận “Đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự ý hoạch định vì “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc yêu sách đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1882 (UNCLOS). Năm 2016, Tòa án Thường trực Quốc tế The Hague đã ra phán quyết, cho rằng yêu sách lãnh thổ theo “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc là bất hợp pháp.
Các quan chức Indonesia giương bản đồ khu vực Biển Đông được Indonesia gọi là "Biển Bắc Natuna" nơi tàu Trung Quốc xâm phạm. (Ảnh: VOA).
|
Bộ Ngoại giao Indonesia nhắc lại rằng Indonesia không phải là nước yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và không có vùng biển có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc. Tuy nhiên, trên bản đồ “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc tự vẽ, Quần đảo Natuna của Indonesia được coi là thuộc vùng biển của Trung Quốc. Hãng CNA dẫn lời ông Teuku Faizasyah nói rằng vùng đặc quyền kinh tế được phân định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia công ước này nên cần tuân thủ.