Tình hình Kazakhstan liên quan đến Trung Quốc và Nga như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kazakhstan đã trở thành tâm điểm quốc tế do xảy ra biểu tình và bạo loạn, điều rất hiếm gặp ở một nước tương đối ổn định. Mối quan hệ giữa tình hình Kazakhstan với Trung Quốc và Nga là điều dư luận rất quan tâm.
Binh lính Nga trong lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tới Kazakhstan giúp ổn định tình hình (Ảnh: Toutiao).
Binh lính Nga trong lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tới Kazakhstan giúp ổn định tình hình (Ảnh: Toutiao).

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), chỉ sau vài ngày, cuộc biểu tình chống Chính phủ Kazakhstan đã lan ra toàn quốc, tình hình căng thẳng ở đây khiến các nước láng giềng Nga và Trung Quốc rất quan tâm. Theo yêu cầu của Tổng thống Kazakhstan Tokayev, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (Collective Security Treaty Organisation, CSTO) do Nga đứng đầu đã nhanh chóng điều động binh lính gìn giữ hòa bình tới đồn trú, giúp dẹp yên tình hình đang hỗn loạn. Có ý kiến phân tích cho rằng sự phát triển của tình hình ở Kazakhstan có tác động lớn đến Nga và Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu và bình luận về Trung Đông Seth J. Frantzman đã viết trên tờ Jerusalem Post ngày 6/1 rằng các chính phủ láng giềng lo ngại rằng bất ổn ở Kazakhstan có thể lan sang các nước xung quanh. Do đó, cả Trung Quốc và Nga đều chú ý đến tình hình địa phương, đồng thời sự phát triển trong tương lai của Kazakhstan cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc ở Trung Á.

Người biểu tình đốt xe và trụ sở chính quyền ở Almaty (Ảnh: AP).

Người biểu tình đốt xe và trụ sở chính quyền ở Almaty (Ảnh: AP).

Trung Quốc không có quyền can thiệp

Tờ Atlantic Monthly vào năm 2019 từng chỉ rõ: “Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Á và được hỗ trợ bởi các chính quyền địa phương, đặc biệt là Kazakhstan. Kể từ năm 2013, Trung Quốc trở thành đối tác quan trọng của Kazakhstan. Năm đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đề xuất sáng kiến ​​‘Con đường Tơ lụa mới’, hai nước đã ký một số hiệp định thương mại với tổng trị giá 30 tỷ USD. Ông Tập Cận Bình từng nói: 'Trung Quốc và Kazakhstan là bạn cả đời'. ”

Trước tình hình hỗn loạn ở Kazakhstan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 6/1 đã hạ giọng, nói những gì đang diễn ra ở Kazakhstan hiện nay là “chuyện nội bộ” và tin rằng chính quyền Kazakhstan có thể giải quyết ổn thỏa vấn đề, hy vọng tình hình sẽ sớm yên ổn.

Lúc đầu, Nga cho rằng Kazakhstan có khả năng tự giải quyết công việc nội bộ của mình và các nước ngoài không nên can thiệp vào cuộc xung đột; sau đó, theo yêu cầu của Kazakhstan, họ đã đưa quân vào Kazakhstan với danh nghĩa Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) để duy trì sự ổn định.

Giáo sư Triệu Trúc Thành, một chuyên gia nghiên cứu Nga tại Đại học Chính trị Đài Loan, nói: Trung Quốc không phải là thành viên của CSTO, và Kazakhstan cũng không yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ. Vì vậy, Trung Quốc không có vị thế nào để hỗ trợ Kazakhstan trong việc duy trì sự ổn định, họ chỉ có thể bày tỏ hy vọng Kazakhstan kiểm soát được tình hình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố với cựu Tổng thống Nazarbayev: "Trung Quốc và Kazakhstan là bạn cả đời" (Ảnh: Xinhua).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố với cựu Tổng thống Nazarbayev: "Trung Quốc và Kazakhstan là bạn cả đời" (Ảnh: Xinhua).

Ông Triệu nói rằng các tranh chấp ở Trung Á, nơi có Kazakhstan, luôn được giải quyết bởi Tổ chức An ninh Tập thể gồm 6 quốc gia trong đó có Nga và Belarus nhằm duy trì an ninh chung trong khu vực, vốn là lợi ích cốt lõi của Nga. Ông cho rằng Trung Quốc cũng tôn trọng lập trường của Nga.

"Đó chắc chắn là một điều tốt đối với Trung Quốc, bởi vì họ không phải vào can thiệp mà tình hình vẫn ổn định", Triệu Trúc Thành nói.

Mối quan hệ gắn bó Kazakhstan-Nga

Mặc dù Kazakhstan có quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc từ năm 2013, nhưng Triệu Trúc Thành nói thẳng: "Dù mối quan hệ giữa Kazakhstan và Trung Quốc có tốt đến đâu thì cũng không thể bằng mối quan hệ giữa Kazakhstan và Nga", vì ngoài quan hệ đồng minh quân sự. Kazakhstan và Nga đều thuộc CSTO, cũng đều là thành viên của Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (Eurasian Economic Community, EAEC), trong cùng một khu vực thuế quan. Ông nói thêm, cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, người đã nắm quyền 30 năm, có mối quan hệ rất thân thiết với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Triệu Trúc Thành nhấn mạnh: “Trung Quốc không phải là ‘ông lớn’ ở Trung Á”. Ông cho rằng Kazakhstan và Trung Quốc dường như có quan hệ thân thiết, thuần túy là vì hợp tác kinh tế nhiều hơn, vì tuyến đường sắt Âu - Á của Trung Quốc trong sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” cần đi qua Kazakhstan và Trung Quốc cần các mỏ dầu, khí đốt tự nhiên và uranium của Kazakhstan, trong khi Kazakhstan xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn tổng thể từ các mặt văn hóa, ngôn ngữ và quân sự, "Trung Quốc và Kazakhstan không gần gũi như Nga với Kazakhstan".

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Kazakhstan Tokayev (Ảnh: RIA).

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Kazakhstan Tokayev (Ảnh: RIA).

Tính toán phía sau của Nga?

Ngoài ra, có ý kiến phân tích cho rằng động cơ Nga vào Kazakhstan không hề đơn giản. Niva Yau, một nhà nghiên cứu tại OSCE Academy, chuyên nghiên cứu các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với Trung Á, phân tích trên Twitter của bà rằng trong vài năm qua, Nga đã cố gắng kiểm soát việc Trung Quốc mua dầu và khí đốt từ Trung Á, vì vậy nếu Tổng thống Kazakhstan Tokayev trao quyền kiểm soát năng lượng cho Nga, điều này sẽ gây nên "hậu quả có tính bùng nổ" cho thị trường dầu khí toàn cầu.

Niva Yau viết rằng Nga hy vọng Kazakhstan sẽ trao cho Nga quyền định giá đối với thương mại dầu khí giữa Trung Quốc và Trung Á bằng cách thúc đẩy Kazakhstan đồng ý với mức thuế tiêu chuẩn của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đối với giá dầu và khí đốt. Trước đây, cả cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev và đương kim Tổng thống Tokayev của Kazakhstan đều phản đối gay gắt cách tiếp cận này.

Niva Yau cho biết, đối với Nga, khi đàm phán các giao dịch dầu khí với Trung Quốc, quyền định giá do Liên minh Kinh tế Á-Âu cấp đã mang lại cho nước này sức mạnh thương lượng và con bài mặc cả khổng lồ. Đối với Kazakhstan, họ phải hy sinh độc lập kinh tế làm điều kiện trao đổi. Nhưng tất cả phụ thuộc vào việc Nga có nắm được quyền định giá năng lượng toàn cầu hay không.

Emma Ashford, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scooby thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (The Atlantic Council), một tổ chức tư vấn của Mỹ, phân tích nói Nga có lợi ích mạnh mẽ ở Kazakhstan, và Nga thường dựa vào khí đốt tự nhiên của Kazakhstan để làm hậu thuẫn cho việc Nga thiếu sản lượng. Nói một cách tương đối, sự ổn định của Kazakhstan là quan trọng đối với Trung Quốc nhưng có ít lợi ích liên quan hơn.