Đâu là lý do khiến Nga nhanh chóng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc Nga nhanh chóng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức An ninh Tập thể tới giúp chính phủ Kazakhstan dẹp bạo loạn, khôi phục trật tự đang là đề tài được giới truyền thông quốc tế quan tâm.
Binh sĩ Nga lên máy bay tới Kazakhstan hôm 6/1 (Ảnh: Reuters).
Binh sĩ Nga lên máy bay tới Kazakhstan hôm 6/1 (Ảnh: Reuters).

Điều gì khiến Nga quyết định triển khai quân đội tới hỗ trợ Kazakhstan?

Kazakhstan là quốc gia có vị trí kinh tế chủ đạo ở Trung Á, tuy dân số chỉ 19 triệu người, nhưng lại là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới. Phía bắc và phía tây Kazakhstan giáp Nga, đường biên giới giữa hai nước dài gần 7.000 km, là đường biên giới quốc tế lục địa dài nhất thế giới; phía đông nam liền kề Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc. Bị kẹp giữa hai cường quốc, mọi biến chuyển dù nhỏ ở Kazakhstan đều gây nên sự chú ý.

Theo một bản tin của kênh truyền hình Russia Today (RT), phân tích về những nguyên nhân chính đằng sau cuộc bạo loạn ở Kazakhstan, chính trị gia người Nga Roman Yuneman chỉ ra rằng "cuộc biểu tình chống chính phủ lần này là một phong trào lớn nhất kể từ khi Kazakhstan độc lập". Người dân Kazakhstan ban đầu biểu tình chống lại việc tăng giá khí đốt hóa lỏng, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục cho đến nay, chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, và sự giận dữ của người dân chuyển sang Nazarbayev, nhà lãnh đạo nắm quyền trong suốt thời gian dài.

Người biểu tình trên đường phố Almaty (Ảnh: AP).

Người biểu tình trên đường phố Almaty (Ảnh: AP).

Kazakhstan là quốc gia lớn nhất ở Trung Á và cũng là chìa khóa để Nga kiểm soát Trung Á. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 5/1 phát biểu, bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng Chính phủ Kazakhstan có khả năng kiểm soát tình hình và kêu gọi các nước khác không tùy tiện can thiệp.

Tình hình chính trị ở Kazakhstan có ổn định hay không, theo Russia Today (RT) có ba điểm then chốt chính có tầm quan trọng sống còn đối với Nga. Đầu tiên là Bãi phóng không gian Baikonur đặt tại Kazakhstan và cũng là bãi phóng không gian đầu tiên và lớn nhất thế giới, được Kazakhstan cho Nga thuê. Nga cũng có một bãi phóng không gian khác là Vostochny mới được khai trương gần đây, mục đích ban đầu nó được xây dựng để giảm sự phụ thuộc vào bãi phóng Baikonur, nhưng đến nay chỉ được sử dụng để phóng các con tàu không người lái. Vì vậy, bãi phóng Baikonur rất quan trọng đối với Nga.

Điểm thứ hai là về mặt quốc phòng, bãi thử tên lửa chống đạn đạo Sary Shagan cực kỳ quan trọng đối với Nga, cũng nằm ở Kazakhstan, là địa điểm duy nhất ở lục địa Âu-Á được sử dụng thử nghiệm hệ thống chống tên lửa đạn đạo.

Người biểu tình đốt xe cảnh sát ở Almaty (Ảnh: AP).

Người biểu tình đốt xe cảnh sát ở Almaty (Ảnh: AP).

Điểm quan trọng thứ ba là, tỷ lệ dân số Nga sống ở Kazakhstan rất cao. Chỉ riêng người Nga đã chiếm tới 18,4% tổng dân số của Kazakhstan, khiến nước này trở thành quốc gia đông người Nga sinh sống nhất bên ngoài lãnh thổ Liên bang Nga. Từ lâu, Tổng thống Nur-sultan Nazarbayev đã cam kết duy trì sự hòa hợp giữa các chủng tộc và bình đẳng trong sự khác biệt để ngăn chặn việc chạm vào quả bom nổ chậm tiềm tàng, điều này cũng khiến Nga phải ra tay xử lý để người Kazakhstan không dám làm càn.

Yuneman cho rằng “hoạt động biểu tình chống chính phủ khó có thể phát triển thành các hành động chống Nga vì sự xích mích giữa Kazakhstan và Trung Quốc còn căng thẳng hơn so với Nga”. Ông chỉ ra thêm: “Mặc dù tình trạng hỗn loạn diễn ra trên cả nước, nhưng không có người Nga biểu tình trên đường phố, hầu hết đều nói tiếng Kazakh."

Xe quân sự Nga được đưa lên máy bay để không vận đến Kazakhstan (Ảnh: AP).

Xe quân sự Nga được đưa lên máy bay để không vận đến Kazakhstan (Ảnh: AP).

Những lực lượng của CSTO được đưa tới Kazakhstan và sứ mạng

Theo trang web Nga Izvestia ngày 7/1, nhiều máy bay vận tải quân sự đã vận chuyển các đơn vị đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đến Kazakhstan vào ngày 6. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hoạt động vận chuyển quân và trang thiết bị vẫn đang diễn ra.

Tin cho biết, ngoài binh sĩ đổ bộ đường không Nga, các quân nhân của Tajikistan, Kyrgyzstan, Belarus và Armenia cũng sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Đây là hoạt động gìn giữ hòa bình tập thể đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) kể từ khi thành lập. Các chuyên gia cho rằng việc có mặt của lực lượng gìn giữ hòa bình có thể khiến binh lính Kazakhstan cảm thấy nhẹ nhõm.

Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo Lữ đoàn đặc nhiệm độc lập số 45 của Lực lượng Dù Nga cất cánh từ Sân bay Chkalov, lực lượng của Sư đoàn Dù số 98 cất cánh từ Sân bay Bắc Ivanovo và Lữ đoàn gìn giữ hòa bình độc lập số 31 cất cánh từ Sân bay Ulyanovsk.

Bãi phóng không gian Baikonur, một mục tiêu quan trọng ở Kazakhstan Nga cần bảo vệ (Ảnh: RIA).

Bãi phóng không gian Baikonur, một mục tiêu quan trọng ở Kazakhstan Nga cần bảo vệ (Ảnh: RIA).

Tờ báo cũng biết được từ một số nguồn tin rằng các binh sĩ và trang thiết bị của Lữ đoàn cận vệ 38 thuộc lực lượng nhảy dù Nga cũng đã được cử tới Kazakhstan để thực hiện các nhiệm vụ tổ chức thông tin liên lạc. Ngoài ra, các lực lượng đặc biệt thuộc Sư đoàn 76 Biệt kích Dù cũng tham gia vào cuộc hành quân. Phía Nga điều động tổng cộng khoảng 3.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình.

Báo này cũng nêu rõ, phương tiện vận chuyển số quân này là các máy bay vận tải quân sự Il-76 và An-124 của nhiều trung đoàn vận tải hàng không đóng tại Orenburg, Pskov, Ivanovo và Moscow. Ít nhất 13 máy bay vận tải đã tham gia chiến dịch không vận này.

Izvestia lưu ý rằng Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/1 đã công bố hình ảnh các xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4, xe bọc thép Tiger, xe bọc thép chở quân BTR-82A, trạm liên lạc vệ tinh và hệ thống tác chiến điện tử Leer-3 đã được đưa lên máy bay tới Kazakhstan.

Izvestia cũng chỉ ra rằng ngoài Nga, các quốc gia thành viên khác của CSTO cũng sẽ cử quân đội tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Lực lượng đầu tiên của Armenia có khoảng 70 quân. Tajikistan cũng sẽ cử 200 binh sĩ tới.

Được biết, vào ngày 6/1, đoàn xe bọc thép của Lữ đoàn đặc nhiệm số 25 của Kyrgyzstan, Lữ đoàn "Scorpio", đã được chụp ảnh tại lối vào của Căn cứ Không quân Kanter.

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khlenin ngày 6/1 tuyên bố Minsk đã cử một đại đội gìn giữ hòa bình của Lữ đoàn Không quân số 103 đến Kazakhstan. Đơn vị này được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự của Nga. Một nguồn tin tiết lộ với Izvestia rằng binh sĩ của Lữ đoàn độc lập đặc biệt số 5 của Belarus cũng sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Các loại xe quân sự của Nga tập kết bên ngoài sân bay ở Moscow chờ được đưa sang Kazakhstan (Ảnh: Reuters).

Các loại xe quân sự của Nga tập kết bên ngoài sân bay ở Moscow chờ được đưa sang Kazakhstan (Ảnh: Reuters).

Izvestia cho rằng đây là hoạt động gìn giữ hòa bình thực sự đầu tiên của Tổ chức An ninh Tập thể. Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky nói với phóng viên: "Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO sẽ bảo vệ các cơ sở chiến lược quan trọng, bao gồm các công ty năng lượng, đặc biệt là các cơ sở điện hạt nhân. Ngoài ra, trạm quan trắc không gian và bãi phóng vũ trụ Baikonur, bãi thử tên lửa Sary Shagan và các cơ sở quân sự quan trọng khác cũng sẽ được bảo vệ. Ở Kazakhstan có các công ty khai thác uranium. Nếu một cuộc tấn công khủng bố hoặc thảm họa kỹ thuật xảy ra, nó sẽ không chỉ gây thiệt hại cho Kazakhstan mà còn gây hại cho các nước láng giềng.

Nhiệm vụ thứ hai của lực lượng gìn giữ hòa bình là ngăn chặn sự xuất hiện của các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo IS ở Kazakhstan. Có rất nhiều phần tử khủng bố cực đoan ở Kazakhstan đã học hỏi được kinh nghiệm ở Iraq, Syria hay Afghanistan."

Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas: nếu lực lượng gìn giữ hòa bình bị tấn công, họ sẽ đáp trả bằng những đòn chí mạng (Ảnh: Armepress).

Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas: nếu lực lượng gìn giữ hòa bình bị tấn công, họ sẽ đáp trả bằng những đòn chí mạng (Ảnh: Armepress).

Tuy nhiên, Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 6/1, nếu lực lượng gìn giữ hòa bình bị tấn công, họ sẽ đáp trả bằng đòn chí mạng. Ông phủ nhận việc các lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ tham gia giải tán những người biểu tình và bác bỏ luận điệu cho rằng hoạt động này cấu thành một "cuộc xâm lược" hoặc "chiếm đóng" là dối trá.

Stanislav Zas cho biết nhiệm vụ gìn giữ hòa bình hoàn toàn phù hợp hiến chương CSTO; sau khi tham vấn khẩn cấp, các quốc gia thành viên nhất trí cho rằng an ninh, ổn định, thậm chí toàn vẹn lãnh thổ của Kazakhstan đang bị đe dọa. Nhiệm vụ có hai mục đích chính: Lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được cử đến để canh gác một số cơ sở quan trọng của chính phủ và cơ sở chiến lược, cũng như giúp duy trì trật tự và đảm bảo an toàn cho dân thường. Ông cảnh báo rằng nếu lực lượng gìn giữ hòa bình bị tấn công, họ sẽ được phép chống trả bằng vũ lực sát thương.