Thông tin trên được đưa ra ngay sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa ngày 7/2 và hơn một tháng sau khi Triều Tiên thông báo thử thành công bom nhiệt hạch ngày 3/1, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Triều Tiên bắt đầu chương trình phát triển vũ khí hủy diệt từ năm 1956. Từng là một bên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng rút lui năm 2003 với lý do bị chính sách thù địch của Mỹ đe dọa. Ba năm sau, vụ thử hạt nhân đầu tiên diễn ra.
Ngày 25/5/2009, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 2, động thái khiến cả thế giới lo ngại. Vụ nổ gây ra một cơn địa chấn mạnh 4,7 độ Richter.
Ngày 12/2/2013, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 và cũng là vụ thử lớn nhất. Các cơ quan chuyên trách của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ phát hiện trận động đất mạnh từ 4,9 đến 5,1 độ Richter tại nơi Triều Tiên thử hạt nhân, bãi Pungye-ri.
Theo Cơ quan Tình báo Hàn Quốc, bên cạnh các vụ thử hạt nhân, Triều Tiên cũng đang nỗ lực thu nhỏ vũ khí thành đầu đạn để lắp lên tên lửa đạn đạo. Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo cho thấy nước này đang dần sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa liên lục địa, có thể tấn công tới các mục tiêu nằm xa khu vực.
Trong một diễn biến liên quan, giới chức Mỹ ngày 7/2 xác nhận, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa tầm xa vào quỹ đạo, đồng thời lên án động thái này như một sự khiêu khích từ Bình Nhưỡng.
“Hệ thống của Bộ Chỉ huy Chiến lược đã phát hiện và theo dõi những gì chúng tôi đánh giá là hành động phóng tên lửa vào không gian”, ABC News dẫn tuyên bố từ Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ cho hay.
Theo quan chức Mỹ, tên lửa được phóng từ phía tây Triều Tiên lúc 19h29 giờ miền Đông của Mỹ (7h29 giờ Hà Nội) và bay qua vùng biển Hoàng Hải. Tầng thứ 3 của tên lửa dường như đã đi vào quỹ đạo.
Điều này có thể trở thành nỗi lo đối với các quốc gia cho rằng Bình Nhưỡng tuyên bố phóng vệ tinh để làm bình phong cho thử nghiệm tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, tên lửa không tạo ra mối đe dọa đối với Mỹ hoặc các đồng minh.
Theo Zing