Tín dụng tăng vọt, huy động vốn chậm dần

Trái với quý I hàng năm, tín dụng thường không tăng, hoặc tăng trưởng âm, tín dụng quý I năm nay tăng tới 1,91%, trong khi dòng tiền chảy vào ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại.
Tín dụng tăng vọt, huy động vốn chậm dần

Choáng với tăng trưởng tín dụng ngân hàng

Trái với cảnh đìu hiu của các năm trước, năm nay, tín dụng hồi phục mạnh ngay từ những tháng đầu tiên. Phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô tối hôm 30/3, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến cuối tháng 3, tín dụng đã tăng 1,91% (không tính trái phiếu). Đây là mức tăng khá sốc nếu so với cùng kỳ các năm trước, tín dụng thường tăng trưởng âm hoặc tăng không đáng kể.

Tuy nhiên, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà nhiều ngân hàng đặt ra trong năm nay mới thật sự choáng váng. Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2015 vừa diễn ra, LienVietPostBank đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dung lên tới 77% trong năm nay, cao gấp gần 6 lần so với chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho phép (13%). Dĩ nhiên, để được tăng trưởng tín dụng ở mức này, LienVietPostBank phải được NHNN cho phép.

Tương tự, VIB cũng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lạc quan trong năm nay. Theo đó, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho hay, nếu được NHNN cho phép, VIB sẽ đặt kế hoạch tăng dư nợ 27%.

Ngoài hai ngân hàng trên, nhiều ngân hàng TMCP cũng lên kế hoạch xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (20-30%). Các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV ổn định chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 16-17%.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu năm là nền kinh tế đã hồi phục, tăng trưởng GDP quý I/2015 là 6,03%. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp và ổn định cũng kích thích vay vốn.

Việc tín dụng tăng trở lại năm 2015 đã được NHNN dự báo từ trước. Tuy nhiên, việc nhiều ngân hàng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quá cao, theo các chuyên gia kinh tế sẽ dễ dẫn tới khả năng khó kiểm soát rủi ro, dẫn tới nợ xấu tăng trở lại.

Vì vậy, các ngân hàng không nên mở quá rộng tín dụng, mà thay vào đó, cần triển khai mạnh các mảng dịch vụ để đưa hoạt động ngân hàng vào chiều sâu và giảm bớt rủi ro. Chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh rằng, việc đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% trong năm nay không phải là để phấn đấu đạt được, mà là để hạn chế tín dụng chỉ tăng ở mức này.

“Vẫn biết tín dụng là quan trọng, nhưng phải ở tỷ lệ nhất định thì mới an toàn, chứ nếu chỉ chăm chăm chạy theo tín dụng mà không phát triển dịch vụ ngân hàng, thì không thể phát triển bền vững được”, Thống đốc nói.

Tiền vào chậm, ngân hàng hết ứ vốn?

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, tính đến ngày 20/3/2015, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,94%, tăng chậm hơn nhiều so với tín dụng (1,91%). Con số này cũng diễn biến trái chiều so với năm ngoái. Cụ thể, tại thời điểm 22/4/2014, tín dụng toàn hệ thống tăng 0,62%, trong khi huy động vốn tăng tới hơn 3,09%.

Như vậy, không chỉ tín dụng tăng đáng ngạc nhiên, mà huy động vốn của ngân hàng cũng đang giảm bất thường. “USD tăng giá, trong khi lãi suất huy động tiền đồng liên tục giảm là một trong những nguyên nhân khiến huy động vốn tăng chậm lại. Những năm trước, ngân hàng có dấu hiệu ứ vốn ngay từ quý I, thì năm nay, vốn huy động và cho vay của chúng tôi là cân bằng. Theo tôi biết, tại nhiều ngân hàng khác, tình trạng dư vốn đã không còn”, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế phục hồi, nên dòng tiền chảy vào sản xuất, kinh doanh mới là lý do chính khiến huy động vốn chậm lại. Nói cách khác, huy động vốn tăng chậm hơn so với cùng kỳ là dấu hiệu đáng mừng, chứ không phải đáng lo.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh, dù đồng USD tăng giá, song thời điểm này, giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn so với USD. Theo TS. Thành, ngân hàng vẫn là kênh đầu  tư hấp dẫn hiện nay, trong bối cảnh lãi suất vẫn đảm bảo thực dương và các kênh đầu tư khác ẩn chứa nhiều rủi ro.

Theo Đầu tư