Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều lâm vào tình trạng suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng âm (-3%) và có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đưa ra dự đoán thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13% đến 32% trong năm 2020. Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) toàn cầu dự báo sụt giảm từ 30% đến 40% trong giai đoạn 2020-2021.
Đối với Việt Nam, nguy cơ về làn sóng Covid-19 thứ hai đang hiện rõ. Trong 6 ngày vừa qua, Việt Nam đã phát hiện 43 trường hợp dương tính trong cộng đồng. Covid-19 đã làm giảm tăng trưởng, đầu tư, thương mại, làm gián đoạn các chuỗi sản xuất quan trọng. Nó cũng làm tăng lạm phát, thất nghiệp và nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, phá sản.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tới 85,7% doanh nghiệp được khảo sát nói rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn càng chịu ảnh hưởng nặng nề. 57,7% doanh nghiệp cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh. 47,2% doanh nghiệp nói rằng hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. 45,4% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là vốn lưu động để trả lương cho nhân viên. Tính đến hết quý I/2020, có tới gần 20% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, 21,6% lao động bị mất việc làm, 7,5% lao động tạm nghỉ việc không lương, 22,8% lao động bị giãn việc, nghỉ luân phiên.
Hiện nay, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương vừa phòng chống dịch vừa thực hiện đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế. Ngày 5/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Covid-19 đã và đang làm thay đổi tư duy, phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, thay đổi thói quen tiêu dùng. Covid-19 đặt ra trạng thái mới, hình thức mới cho các hoạt động hợp tác toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Các doanh nghiệp cần phải đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới cách thức marketing.
Các trung tâm thương mại vắng khách, sức mua giảm hẳn trong thời kỳ Covid-19
|
Nguy cơ về một làn sóng Covid-19 thứ hai phức tạp hơn, gây nhiều thiệt hại hơn đang hiện hữu. Chính vì vậy rất cần có những nghiên cứu, đánh giá cũng như có sự hợp tác giữa các cơ quan ban ngành để tìm lời giải cho bài toán tái thiết kinh tế. Trong tình hình đó, diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh” dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8, do Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam” (Ban tổ chức 248) chủ trì.
Theo Ban tổ chức 248, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tới tham dự diễn đàn này và ông sẽ có cuộc trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới. Đây cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị các cơ chế, chính sách, chiến lược và giải pháp để nhà nước hỗ trợ, giúp cộng đồng doanh nghiệp thích nghi, tái hoạt động, phát triển bền vững. Diễn đàn cũng đánh giá lợi ích mang lại của văn hóa kinh doanh áp dụng trong doanh nghiệp nhằm biến “nguy” thành “cơ”.
Dự kiến diễn đàn sẽ được tổ chức online tại 3 đầu cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.