Những bức thư email bị hack của cựu Tổng thư ký NATO Philip M. Breedlove đã được tung lên trang DCLeaks.
Nội dung của các bức thư là sự trao đổi qua lại giữa ông Breedlove với một cựu quan chức từng đứng đầu Bộ Chỉ huy Châu Âu của Mỹ; cựu Tư lệnh Tối cao Lực lượng NATO và các nhân vật cấp cao có liên quan đến tình hình Ukraine sau vụ đảo chính hồi tháng Hai năm 2014 khiến chính quyền của Tổng thống Yanukovych bị lật đổ ở Ukraine.
Ông Breedlove đã nắm giữ cương vị Chỉ huy Tối cao của NATO từ tháng 5 năm 2013 đến tháng Ba năm 2016.
Hòm thư email bị hack của cựu Tổng thư ký NATO cho thấy, ông này thường xuyên tiếp xúc ở mức độ cao với vị Tướng đã nghỉ hữu - Wesley Clark, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cũng như một quan chức cấp cao ở Hội đồng Đại Tây Dương, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ - Victoria Nuland và Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt.
Trong một bức thư, ông Breedlove đã nói với cựu Ngoại trưởng Mỹ Powell rằng: “Tôi có thể sai... nhưng tôi không thấy WH (Nhà Trắng) thực sự tham gia vào vấn đề bằng cách hợp tác với Châu Âu/NATO. Nói thật, tôi nghĩ chúng tôi (NATO) là một ‘mối lo ngại’.... hay là mối đe dọa vì lôi Mỹ vào một cuộc xung đột”.
"Tôi muốn xin lời khuyên của ông về hai điều: làm thế nào để có được cơ hội trong thời điểm mọi ánh mắt đều tập trung vào IS... và hai là, làm thế nào để làm việc với tư cách cá nhân với POTUS (Tổng thống Obama)."
Cựu Tổng thư ký NATO Breedlove đã tìm cách lôi kéo chính quyền của ông Obama thông qua một số nhà trung gian. Trong một bức thư email gửi đến cố vấn cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương Harlan Ullman, ông Breedlove đã nói đến lời khẩn cầu của ông này với cựu Ngoại trưởng Mỹ Powell.
"Lời khẩn cầu đầu tiên của tôi với ông ấy (Powell) là giúp tôi tạo bước đột phá để kích thích Mỹ quan tâm trở lại đến Châu Âu/NATO.
Tôi cho rằng POTUS (Obama) xem NATO như là một mối đe dọa cần phải giảm đến mức tối thiểu... nghĩa là chính quyền Obama không muốn bị NATO lôi vào mọt cuộc chiến tranh”.
Chuyên gia Ullman từng kêu gọi ông Breedlove tiếp xúc với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ullman từng viết, “Obama và Kerry cần phải được thuyết phục rằng, họ cần phải đối đầu với Putin”.
Lâu nay, người ta cứ tưởng Mỹ gây sức ép để Châu Âu và NATO quay lưng lại chống Nga. Tuy nhiên, những tiết lộ trên có thể khiến nhiều người phải nghĩ lại.
Mối quan hệ giữa Nga với NATO đã rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát.
Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine.
Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga. Đáp lại, Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để sẵn sàng đối phó với NATO.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lập trường của NATO đối với Nga có vẻ dịu đi. Bản thân Nga cũng tuyên bố để ngỏ khả năng nối lại quan hệ với NATO.
Theo Vnmedia