“Tiền mua cổ phần ngân hàng yếu kém sẽ được thu hồi”

 Đây là ý kiến được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khi trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra vào chiều 1/4.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên

Trước một số ý kiến cho rằng, chủ trương mua lại các ngân hàng thua lỗ của Ngân hàng nhà nước (NHNN) có hiệu quả chưa rõ ràng trong khi NHNN lại phải ôm một khoản nợ xấu lớn, rất khó xử lý và nguy cơ mất vốn cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định: "Việc NHNN mua, tiếp quản ngân hàng thương mại yếu kém là cách làm phù hợp thông lệ quốc tế, nhiều nước trong khu vực và thế giới đã áp dụng". 

Theo Bộ trưởng Nên, việc can thiệp bắt buộc của NHNN thông qua mua, tiếp quản ngân hàng thương mại yếu kém, cơ cấu lại chỉ được thực hiện khi ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, không sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được hoặc trong trường hợp chỉ định ngân hàng thương mại nhà nước mua lại, nhận sáp nhập sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính, hoạt động của ngân hàng thương mại nhà nước. 

"Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng trong bối cảnh hiện nay qua phân tích và đánh giá cụ thể từng trường hợp cho thấy tổn thất cho Nhà nước và xã hội là rất lớn và có thể gây mất an toàn hệ thống", Bộ trưởng Nên khẳng định. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, sau khi mua lại ngân hàng yếu kém NHNN sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý những tồn tại, yếu kém và cơ cấu lại toàn diện, nhất là về quản trị, điều hành, chiến lược kinh doanh phù hợp hơn, lành mạnh hóa tài chính, xử lý nợ xấu để thu hồi vốn cho ngân hàng.

Đồng thời, nợ xấu của các ngân hàng yếu kém sẽ được thu hồi, xử lý triệt để bằng các biện pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang phát triển ổn định thuận lợi. 

Đặc biệt, Bộ trưởng Nên nhấn mạnh nguồn vốn để xử lý, tái cơ cấu các tổ chức yếu kém chủ yếu là nguồn vốn huy động trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

"Không sử dụng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng nói chung và mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng", Bộ trưởng Nên cho hay.

Có mặt tại cuộc họp báo thường kỳ, đại diện NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, chủ trương, đề án tái cơ cấu ngân hàng đang được áp dụng theo Quyết định 254-CP.

Theo đó, đây là quá trình thường xuyên liên tục áp dụng không chỉ tổ chức tín dụng yếu kém mà cả với tổ chức tín dụng tốt với các cách thức khác nhau. 

"Quá trình tái cơ cấu thời gian vừa qua đã xử lý được các ngân hàng yếu kém, là nguyên nhân gây biến động đối với thị trường tiền tệ cách đây 3 năm", bà Hồng nói.

Theo Bizlive