“Không thể tin được là lại có nhiều dầu mỏ đến vậy”, một thương nhân người Mỹ chuyên buôn dầu mỏ ở vùng Vịnh đã phải thốt lên như vậy ở thời điểm vài năm sau năm 1938 - khi Saudi Arabia lần đầu tiên phát hiện ra dầu mỏ. Việc phát hiện ra giếng số 7 ở độ sâu 1.440m so với bề mặt sa mạc đã làm thay đổi hoàn toàn nền kinh tế nước này.
Ngày nay, bạn hoàn toàn có thể thốt lên một câu như vậy về SaudiAramco, tập đoàn dầu mỏ quốc doanh từ nhiều thập kỷ nay đã giữ vị thế độc quyền kiểm soát nguồn dầu mỏ của Saudi Arabia. Đây là công ty dầu mỏ lớn nhất, bí mật nhất và được “thèm muốn” nhất trên thế giới.
Hôm 4/1 vừa qua, Phó vương Muhammad bin Salman của Saudi Arabia đã nói với tờ The Economist rằng nước này đang xem xét khả năng chào bán cổ phần của Saudi Aramco ra công chúng. Vị Phó vương trẻ tuổi cũng bổ sung thêm rằng anh khá “thích thú” với ý tưởng này.
Đây là một tiết lộ khiến thị trường xôn xao. Quay trở lại những năm 1970, chính quá trình quốc hữu hóa Arabian American Oil Company (Aramco) được cấu thành từ 4 công ty lớn của Mỹ đã tạo nên làn sóng “quốc hữu hóa” làm nên lịch sử ngành dầu mỏ. Còn hiện nay Saudi Arabia có một số lựa chọn: niêm yết các công ty con phụ trách hóa dầu và các mảng khác nằm trong hoạt động sản xuất chế biến các sản phẩm từ dầu mỏ hoặc bán cổ phần công ty mẹ (trong đó có mảng kinh doanh chính là sản xuất dầu thô).
Aramco sẽ là công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới?
Theo giới phân tích nhận định, Aramco có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ USD và do đó rất dễ trở thành tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới. Aramco cho biết họ có trữ lượng hydrocarbon ở mức 261 tỷ thùng, cao gấp 10 lần trữ lượng của ExxonMobil – công ty dầu mỏ tư nhân lớn nhất hiện nay và có giá trị 323 tỷ USD. Aramco sản xuất nhiều dầu hơn cả nước Mỹ, ở mức khoảng 10,2 triệu thùng/ngày, khiến nó có khả năng tác động rất mạnh đến giá cả trên thị trường. Chỉ cần một phần nhỏ cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán Saudi (hiện có tổng giá trị vốn hóa 400 tỷ USD), quy mô của Aramco sẽ dễ dàng phình to.
Hoàng tử Muhammad cho biết vụ IPO của Saudi Aramco sẽ không chỉ giúp ích cho TTCK nước này (vừa mở cửa chào đón nhà đầu tư nước ngoài vào năm ngoái) mà còn giúp Aramco minh bạch hơn và đối phó với tham nhũng (nếu có). Quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, tuy nhiên, gần đây hoàng tử đã tổ chức hai cuộc họp cấp cao với các quan chức Saudi để thảo luận về vấn đề này.
Mức giá tối thiểu để có được lợi nhuận
Đối với nhiều nhà đầu tư, vụ IPO của Aramco vẫn là một “phần thưởng” dù hiện nay giá dầu đang xuống thấp kỷ lục. Mảng “upstream” (khai thác dầu) của Aramco vẫn rất hấp dẫn. Rystad Energy, một hãng tư vấn đến từ Na Uy, nhận định không có bất kỳ quốc gia nào trừ Kuwait có thể sản xuất dầu với mức hòa vốn thấp hơn Aramco.
Khi so sánh với các tiêu chuẩn của một tập đoàn nhà nước độc quyền, Aramco được nhận định là vận hành khá tốt. Giống như Daniel Yergin viết trong cuốn “The Prize”, trong những năm 1940 và 1950, khi Aramco tuyển dụng những người Saudi trẻ tuổi, đó là “sự kết hợp giữa những người Arab du mục trên sa mạc và những người buôn dầu đến từ Texas, giữa sự chuyên quyền đậm tính truyền thống của Hồi giáo và chủ nghĩa tư bản hiện đại của nước Mỹ”. Khi vẫn còn thuộc sở hữu của Mỹ, Aramco đã xây dựng những thị trấn có trường học, đánh lùi bệnh sởi và dịch tả, giúp người nông dân trở thành doanh nhân. Đây cũng chính là lý do giải thích tại sao Aramco lại trở nên quen thuộc với người Saudi.
Đây là một câu chuyện hoàn toàn khác so với ở Iran hay bất cứ đâu. Người dân các nước khác đã quá chán ngán thời kỳ là thuộc địa của các doanh nghiệp Anh và Pháp. Vì thế làn sóng quốc hữu hóa bắt đầu trỗi dậy.
Người Saudi nhớ về sự kiện nhà nước Saudi sở hữu 25% cổ phần đầu tiên ở Aramco vào năm 1973 như một “cuộc hôn nhân bền vững”. Năm 1980 Aramco được quốc hữu hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, tinh thần kinh doanh theo kiểu Mỹ vẫn tồn tại.
Có nên IPO?
Tuy vậy, vẫn còn có nhiều hoài nghi xoay quanh công ty này. 87% sản lượng của Aramco là dầu mỏ, vì thế hãng cần phát triển nhiều khí đốt hơn để có thể đáp ứng nhu cầu về năng lượng sạch và rẻ. Một số người cũng cho rằng trữ lượng của Aramco đang bị thổi phồng so với thực tế.
Aramco cũng không công bố doanh thu. Những tài sản như 8 chiếc máy bay (trong đó có 4 chiếc Boeing 737) và một chuỗi các sân vận động bóng đá cho thấy Aramco không chỉ hoàn toàn dựa trên dầu mỏ. Aramco cũng là lựa chọn của Chính phủ trong các dự án phát triển phi dầu mỏ, đồng thời đang điều hành một hệ thống bệnh viện có thể phục vụ 360.000 người. Hãng sẽ phải công bố thông tin minh bạch hơn sau khi IPO.
Tuy nhiên, kể cả khi thông tin được công bố nhiều hơi, các cổ đông thiểu số sẽ không thể có được vị thế giống như cổ đông của các công ty đại chúng khác. Aramco đặc biệt vì nó mang ý nghĩa sống còn đối vương triều Al Saud, đóng góp tới 90% nguồn thu của Chính phủ.
Các nhà đầu tư ở tập đoàn dầu mỏ Gazprom của Nga đã không thể can thiệp khi công ty này được sử dụng giống như một công cụ trong chính sách đối ngoại của Nga. Ngoài ra, có thể nhìn thấy những kết quả lúc tốt lúc xấu ở các thương vụ cổ phần hóa các tập đoàn dầu mỏ quốc doanh ở những nước khác.
Tham vọng cải cách của Hoàng tử Muhammad trùng khớp với một xu hướng mà một số người coi là hồ đồ. Mới đây Saudi Arabia đã buộc OPEC phải duy trì sản lượng bất chấp giá dầu đã rơi từ mức đỉnh 120 USD/thùng xuống dưới cột mốc 35 USD. Quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran hôm 3/1 khiến cả hai nước càng khó đi đến đồng thuận hơn trong việc có cắt giảm sản lượng hay không.
Trong khi đó một số người lại tin rằng chiến lược của Saudi Arabia là có lý. Họ nghĩ rằng Saudi muốn bảo vệ thị phần trên thị trường dầu mỏ toàn cầu bằng cách dồn các nhà sản xuất có chi phí cao vào chân tường.
Ngoài các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, Saudi Arabia còn phải đối mặt với một nguy cơ khác đến từ các năng lượng thay thế, ví dụ như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Bán cổ phần ở Saudi Aramco có thể là biện pháp thoái vốn trước khi năng lượng thay thế lấn át năng lượng hóa thạch.
Chuyên gia Paul Stevens của tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) cho biết một nhóm các nhà kỹ trị xuất sắc ở các quốc gia sản xuất dầu mỏ đang hoài nghi liệu các tập đoàn dầu mỏ quốc doanh có đang gây thất thoát vốn nhà nước bằng tham nhũng và hoạt động không hiệu quả hay không. Vụ bê bối tham nhũng của Petrobas ở Brazil cho thấy hoàn toàn đi theo cơ chế thị trường cũng không thể đảm bảo rắc rối sẽ không xảy ra.
Ở Mexico – nước đang mở cửa ngành dầu mỏ lần đầu tiên kể từ năm 1938 – nhiều người lại muốn áp đặt hoàn toàn cơ chế thị trường. Những điều xảy ra với Saudi Aramco, tập đoàn dầu mỏ quốc doanh lớn nhất trên thế giới - chắc chắn sẽ gây ra tiếng vang trên toàn cầu.
Theo Trí thức trẻ, Economist