Theo Bloomberg, GoTo Group, nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn và fintech Indonesia, đã chứng kiến giá cổ phiếu của mình giảm điểm trong 10 phiên liên tiếp, nới rộng mức giảm từ khi niêm yết lên tới 61%.
Việc bán tháo này diễn ra trong bối cảnh lo ngại những “ông lớn” đứng sau GoTo như Alibaba hay SoftBank sẽ thanh lý cổ phiếu công ty khi lệnh hạn chế chuyển nhượng hết hiệu lực vào 30/11.
Như VietTimes từng đưa tin, trước đó, các lãnh đạo của GoTo đã nỗ lực đàm phán với những cổ đông lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần diễn ra có kiểm soát, tránh đà giảm giá cổ phiếu quá sâu khi ồ ạt các nhà đầu tư giao dịch bán ra cùng một thời điểm.
Đến ngày 30/11, GoTo cho biết những cổ đông lớn từng cân nhắc bán đã quyết định không thực hiện giao dịch vào thời điểm này.
Ước tính, công ty công nghệ lớn nhất Indonesia này đã mất khoảng 22 tỉ USD vốn hóa thị trường từ mức đỉnh hồi tháng 6/2022.
Đợt IPO đã giúp công ty được hình thành sau thương vụ sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia huy động được 1,1 tỉ USD, cùng với đó, giá cổ phiếu tăng 13% trong phiên giao dịch đầu tiên hồi tháng 4/2022. Khi đó, nó được đánh giá là một trong những thương vụ chào sàn lớn nhất thế giới.
Không chỉ riêng công ty mẹ của Gojek, một số startup công nghệ khác niêm yết trong 18 tháng qua, như Zomato của Ấn Độ và SenseTime của Hồng Kông, cũng chứng kiến thị giá cổ phiếu công ty lao dốc vào thời điểm các nhà đầu tư được phép bán cổ phiếu sau IPO.
Giá cổ phiếu của các “anh lớn” công nghệ khác trong khu vực Đông Nam Á cũng ghi nhận sụt giảm hòa theo bối cảnh chung của các công ty cùng ngành trên toàn cầu.
Cổ phiếu của đối thủ cạnh tranh Grab cũng mất tới 65% giá trị kể từ khi niêm yết tại New York một năm trước. Nền tảng mua sắm trực tuyến PT Bukalapak.com cũng chứng kiến giá cổ phiếu công ty giảm 67% kể từ khi lên sàn tại Jakarta vào tháng 8/2021./.
Nguồn tham khảo: Bloomberg