Thương hiệu máy bộ đàm hàng đầu Trung Quốc bị Mỹ cấm bán trên toàn cầu, ra mức phạt "khủng"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hytera, hãng sản xuất máy bộ đàm hàng đầu Trung Quốc, thông báo bị tòa án Mỹ cấm bán các sản phẩm công nghệ vô tuyến liên lạc hai chiều trên toàn cầu và phạt 1 triệu USD mỗi ngày cho đến khi lệnh cấm được tuân thủ triệt để.

Sản phẩm của Hytera bị tòa án Mỹ cấm bán trên toàn cầu (Ảnh: audiolink)
Sản phẩm của Hytera bị tòa án Mỹ cấm bán trên toàn cầu (Ảnh: audiolink)

Hytera được gọi là "Little Huawei" trong ngành công nghiệp liên lạc mạng riêng, trước đó công ty đã bị chính phủ Mỹ đưa vào "danh sách đen".

Ngày 8/4, Công ty TNHH Thông tin Hytera Thâm Quyến thông báo nói họ đã nộp đơn lên tòa án Mỹ để yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm nêu trên và các phiên điều trần vẫn đang tiếp tục tại tòa án Mỹ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đối phó để hủy bỏ lệnh trên trong thời gian sớm nhất”, công ty cho biết.

Theo các báo Trung Quốc "Economic Observer" và "Daily Economic News"...tất cả các sản phẩm của Hytera trên Tmall, JD.com và các cửa hàng trực tuyến hàng đầu khác đã bị gỡ khỏi kệ từ hôm 8/4. Một "thông báo khẩn cấp" được dán ở lối vào cửa hàng hàng đầu Tmall cho biết không còn bán sản phẩm Hytera nào.

Phan quyet cua Taa an My.jpg
Phán quyết của Tòa án bang Illinois về cấm bán sản phẩm Hytera trên toàn cầu
(Ảnh: DEN)

Ngày 8/4, cổ phiếu Hytera đã ngừng giao dịch khi mở cửa ở mức 4,24 NDT/cổ phiếu, tổng giá trị thị trường hiện tại là 7,7 tỉ NDT (1 tỉ 078 triệu USD).

Theo Southern Metropolis Daily, Công ty Hytera được thành lập năm 1993, trụ sở chính tại Thâm Quyến, hoạt động kinh doanh chính là thiết bị liên lạc không dây chuyên nghiệp, gồm thiết bị đầu cuối bộ đàm và hệ thống trung kế với các thương hiệu bao gồm Hytera, Sepura, Teltronic, Norsat...Công ty cung cấp các giải pháp tích hợp liên lạc, chỉ huy và điều phối chuyên nghiệp cho khách hàng trong các lĩnh vực an ninh, cấp cứu, giao thông vận tải và các ngành khác. Công ty được mệnh danh là "Little Huawei" trong lĩnh vực liên lạc mạng riêng.

Theo thống kê của cơ quan tư vấn QYResearch, thị phần bán máy bộ đàm toàn cầu của Hytera vào năm 2023 chiếm 11,41% còn Motorola chiếm 58,57%.

Theo dự thảo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 của Hytera, dự kiến ​​hiệu suất từ ​​tháng 1 đến tháng 12/2023 sẽ giảm và lợi nhuận ròng có thể được hưởng từ khoảng 60 triệu đến 90 triệu NDT, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 77,91% tới 85,28 %.

Tru so cong ty.jpg
Trụ sở Công ty Hytera tại Thâm Quyến (Ảnh: NetEasy).

Bị nghi vi phạm bản quyền bí mật thương mại và bằng sáng chế

Nguồn gốc lệnh cấm sản phẩm Hytera tại Mỹ lần này xuất phát từ đơn kiện của Motorola cách đây 7 năm. Vào ngày 15/3/2017, Motorola và chi nhánh Motorola Malaysia đã kiện Hytera và các công ty con Hytera American và Hytera American West vì cáo buộc vi phạm bản quyền bí mật thương mại và vi phạm bằng sáng chế. Tòa án liên bang phía Bắc Illinois đã thụ lý vụ kiện.

Vào ngày 5/3/2020, Tòa án bang Illinois đã đưa ra phán quyết sơ thẩm, cho rằng Hytera và các công ty con American Company và American West Company đã vi phạm bí mật thương mại của Motorola cũng như bản quyền của Mỹ và phải bồi thường thiệt hại cho Motorola là 346 triệu USD cùng tiền bồi thường mang tính trừng phạt 419 triệu USD, tổng cộng 765 triệu USD.

Hytera không chấp nhận phán quyết sơ thẩm của tòa án Mỹ. Vào tháng 6/2022, Hytera đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trung cấp thành phố Thâm Quyến, tuyên bố rằng các sản phẩm bộ đàm dòng H mới được thiết kế và phát triển của họ không vi phạm bí mật thương mại và bản quyền của Motorola.

Sau khi Hytera đệ đơn kiện lên Tòa án Trung cấp Thâm Quyến và bước vào giai đoạn xét xử, Motorola đã gửi đơn yêu cầu ra lệnh cấm lên tòa án Mỹ, yêu cầu Hytera rút lại việc khởi tố vụ án ở Thâm Quyến. Ngày 25/3/2024 tòa án Mỹ đã phê chuẩn lệnh cấm này.

Hytera bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”

Ngoài nghi ngờ vi phạm bằng sáng chế, trong những năm gần đây tính an toàn của sản phẩm Hytera cũng thu hút sự chú ý của các nước phương Tây.

Tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép Mỹ cấm các công ty do “đối thủ nước ngoài” sở hữu hoặc kiểm soát cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông. Bộ Thương mại Mỹ thông báo Huawei và 70 công ty sẽ được đưa vào danh sách thực thể kiểm soát xuất khẩu.

Trang web Hytera thong bao.jpg
Trang web của Hytera thông báo sản phẩm máy bộ đàm của họ bị tòa án Mỹ cấm bán

Tháng 3/2021, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã công bố danh sách các nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị liên lạc gây ra những rủi ro không thể chấp nhận đối với an ninh quốc gia. 5 công ty Trung Quốc, bao gồm Hytera, Huawei, ZTE, Hikvision và Dahua bị đưa vào danh sách này.

Tháng 12/2022, Bộ trưởng An ninh Công cộng Canada Marco Mendicino tuyên bố một hợp đồng trị giá 549.637 USD mà Cảnh sát Canada đã ký với Sinclair Technologies Inc. có trụ sở tại Ontario tháng 10/2021 hiện đã bị đình chỉ. Lý do là Công ty mẹ Norsat của Sinclair đã bị Hytera của Trung Quốc mua lại năm 2017, chính phủ Trung Quốc nắm giữ khoảng 10% cổ phần của Hytera thông qua các quỹ đầu tư.

Ngày 8/4 Hytera cho biết đã nhận được lệnh của tòa án Mỹ cho rằng công ty không tuân thủ đầy đủ lệnh chống kiện, tạm thời cấm công ty này bán các sản phẩm công nghệ vô tuyến hai chiều (bộ đàm) trên toàn cầu và phạt 1 triệu USD mỗi lần/ngày cho đến khi Hytera tuân thủ đầy đủ lệnh chống kiện.

Hiện Hytera đã rút lại đơn khởi tố trong vụ án Thâm Quyến, đồng thời đình chỉ việc bán các sản phẩm bộ đàm theo yêu cầu và đã nộp đơn lên tòa án Mỹ để yêu cầu hủy bỏ lệnh nêu trên và các phiên điều trần của họ tại tòa án Mỹ đang diễn ra.

Theo NetEasy