Thủ tướng Đức thua bẽ bàng trước Tổng thống Nga?

Một tờ báo của Đức hôm qua (2/4) đã không ngại ngần tuyên bố, mặt trận chống Nga mà nữ Thủ tướng Đức quyền lực Angela Merkel dày công xây dựng lên đang dần tan vỡ.
Thủ tướng Đức thua bẽ bàng trước Tổng thống Nga?

Ngày càng có nhiều nước Châu Âu phản đối việc mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại Nga và không đồng ý với chính sách của Đức đối với Nga. Những nỗ lực nhằm cứu vãn “sự đoàn kết Châu Âu” đã thất bại, tờ báo của Đức - Die Freie Welt thẳng thắn nhận định.

Trong chuyến thăm gần đây đến Helsinki , nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tìm cách thuyết phục người Phần Lan về việc tiếp tục theo đuổi tiến trình chống lại Nga và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Liên minh Châu Âu (EU) theo đuổi một chính sách chung đối với Nga. Tuy nhiên, chính sách này trên thực tế còn lâu mới có thể thành công, tờ báo mạng của Đức cho hay.

Thủ tướng Merkel đã đến thăm Phần Lan ngay trước khi cuộc bầu cử sắp tới diễn ra ở nước này. Trong bài phát biểu tại trường Đại học Helsinki, nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức đã bày tỏ sự quan ngại về sự mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ Liên minh Châu Âu. Bà này đã kêu gọi tất cả các nước thành viên EU tiếp tục theo đuổi một chính sách, một phương pháp tiếp cận chung liên quan đến các đòn trừng phạt kinh tế.

Sức mạnh của EU nằm chính ở sự đoàn kết của liên minh này, Thủ tướng Phần Lan Alexander Strubb đã đồng ý với quan điểm này của Thủ tướng Đức Merkel. Tuy nhiên, không dễ để ông Strubb đưa ra tuyên bố trên. 

Trong chiến dịch tranh cử ở Phần Lan, các đối thủ của Thủ tướng Strubb đã thành công trong việc khai thác sâu vào những ảnh hưởng tiêu cực gây ra từ chính sách trừng phạt Nga của EU đối với nền kinh tế Phần Lan. Vì vậy, họ đã kêu gọi đối thoại với Nga. Các đối thủ của ông Strubb đã đề cập đến thực tế rằng Phần Lan có đường biên giới dài nhất với Nga trong số các nước thành viên EU và rằng cả hai nước có mối quan hệ kinh tế rất chặt chẽ. 

Không chỉ Phần Lan phản đối, chỉ trích chính sách, lập trường cứng rắn của bà Merkel đối với Nga. Ngoài Phần Lan, còn một loạt nước thành viên EU Khác như Hy Lạp, Hungary, Tây Ban Nha, Italia, Slovakia, Cyprus và Áo. Các nước này đều bày tỏ sự bất mãn về chính sách trừng phạt Nga – một chính sách đang khiến họ phải hứng chịu nhiều hơn so với các thành viên khác trong liên minh EU. 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát hồi đầu năm ngoái đã kéo theo một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) cáo buộc Nga gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở nước láng giềng Ukraine và kích động cuộc xung đột vũ trang đẫm máu ở miền đông Ukraine. Dựa trên cáo buộc này, Mỹ và phương Tây bắt đầu lập một mặt trận dồn ép, bao vây Nga “tứ phía”. Ban đầu, mặt trận này tỏ ra hiệu quả khi Mỹ và EU cùng thống nhất tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có những biện pháp trừng phạt gây tổn thương sâu sắc cho nền kinh tế của Nga. 

Tuy nhiên, càng về sau này, mặt trận chống Nga của EU càng trở nên rệu rã và mất phương hướng. Hàng loạt nước đã công khai bày tỏ sự phản đối đối với chính sách trừng phạt Nga. Không chỉ công khai phản đối bằng lời nói, một số nước đã bắt đầu có những bước đi, động thái đi ngược lại với chính sách trừng phạt Nga. Điều này khiến giới chức Châu Âu không khỏi lo ngại. Sẽ thật là bẽ bàng nếu EU – một khối liên minh được cho là bền chặt nhất, gắn kết nhất – lại phơi bày mâu thuẫn đến mức phát ngôn và hành động trái ngược nhau trong chính sách đối với Nga. 

Mới đây nhất, Hy Lạp – một thành viên đang gặp khó khăn của EU, đã tìm đến với Nga và thể hiện “tình yêu” với nước Nga, khiếu EU không khỏi choáng váng. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tuyên bố thẳng thừng rằng, chính sách trừng phạt Nga “sẽ chẳng đi đến đâu, vô ích” và sẽ đẩy mọi thứ vào bế tắc. Ông này sẽ có chuyến thăm đến Nga vào ngày 8/4 tới. Giới chức EU được cho là sẽ dõi theo chuyến thăm này với ánh mắt đầy lo âu. 

Việc Thủ tướng Hy Lạp Tsipras công khai thể hiện tình cảm thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến Brussels lo ngại nước này có thể thoát ra khỏi “đội hình” EU để được hưởng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga cùng với những lợi ích kinh tế từ Nga. 

Một quan chức của EU đã ngay lập tức lên tiếng. Người đứng đầu các thành viên bảo thủ của Đức trong Quốc hội Châu Âu - ông Heribert Reul đã cảnh báo rằng: "Tư cách thành viên trong EU có nghĩa là sự tin tưởng, tin cậy và trách nhiệm – không phải sự lừa dối. Bất kỳ nước nào đùa với lửa và tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga sẽ bị đốt cháy!"

Sự quan ngại của giới chức EU là có lý do. Một khi Hy Lạp thành công thoát ra khỏi đội hình Châu Âu để tìm đến với Nga thì sẽ có hàng loạt nước làm theo. Khối đoàn kết EU sẽ tan vỡ một cách nhanh chóng. Rõ ràng, đã và đang có rất nhiều nước bất mãn với chính sách trừng phạt Nga và họ đều đang muốn làm một điều gì đó để khôi phục lại quan hệ với Nga. Trên thực tế, điều này đã xảy ra nhưng vì là thành viên của EU, một số nước vẫn đang hành động một cách thận trọng, thăm dò.

Theo: VnMedia